Xét xử trực tuyến - Xu hướng tất yếu trong cải cách tư pháp

'Xét xử trực tuyến là việc đưa công nghệ gần hơn với bộ máy tư pháp và đưa pháp luật hướng đến sự công khai, minh bạch, gần với người dân hơn' - Đây là nhìn nhận, đánh giá của phần lớn các Thẩm phán tại Hà Nội trong quá trình triển khai Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Những phiên tòa trực tuyến đầu tiên

Bị cáo đầu tiên tại Hà Nội phải lĩnh án tù thông qua phiên tòa xét xử trực tuyến là Nguyễn Duy Định (sinh năm 1962), trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Bị cáo này bị Tòa án nhân dân quận Đống Đa tuyên phạt 42 tháng tù về Tội mua bán trái phép chất ma túy, tại phiên tòa diễn ra hồi đầu tháng 7-2022. Bị cáo này còn bị xử phạt bổ sung số tiền 5 triệu đồng. Phiên tòa đặc biệt này khi ấy được kết nối trực tuyến với nhau thông qua 2 điểm cầu là Tòa án nhân dân quận Đống Đa và nơi tạm giam bị cáo - Trại tạm giam số 1, CATP Hà Nội. Phiên xử do Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân quận Đống Đa Đào Vĩnh Tường làm Chủ tọa.

Xét xử trực tuyến hướng đến sự công khai, minh bạch và gần dân hơn

Theo cáo trạng, khoảng 11h30 ngày 4-4-2022, tại trước khu vực ngõ 98 Khâm Thiên, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Tổ công tác Công an quận Đống Đa bắt quả tang Tạ Đức Hoàng (sinh năm 1988, ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa) với 0,72 gram heroin trên người. Mở rộng điều tra, Hoàng khai nhận thường xuyên mua ma túy của Định về sử dụng. Từ lời khai của Hoàng, Nguyễn Duy Định nhanh chóng bị “sa lưới” pháp luật và phải trả giá bằng mức án phạt tù nêu trên. Theo Chánh án Tòa án nhân dân quận Đống Đa Đào Vĩnh Tường, để tiến hành phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên tại Hà Nội, công tác chuẩn bị phiên tòa, xét xử và số hóa các tài liệu, văn bản, chuẩn bị triển khai đường truyền từ 2 đầu cầu đã được chuẩn bị chu đáo từ trước. Nhờ đó mà phiên xử diễn ra thành công, tạo tiền đề cho hàng trăm, hàng nghìn phiên tòa trực tuyến tiếp theo.

Nối tiếp những vụ án hình sự, trung tuần tháng 8-2022, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng lần đầu tiên tiến hành phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hành chính. Vụ án này, ông T.B.N. khiếu kiện đối với Quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội trong lĩnh vực quản lý đất đai. Xác định đây sẽ là vụ án tạo thuận lợi, tiền đề cho những vụ án hành chính xét xử trực tuyến tiếp theo nên Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam (Phó Chánh Tòa hành chính - Tòa án nhân dân TP Hà Nội) được “chọn mặt gửi vàng”.

Hai điểm cầu là tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội (điểm cầu trung tâm) và điểm cầu thành phần tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã được vận hành trơn tru trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa. Ở đó, mọi hình ảnh, âm thanh và ý chí của các đương sự được bộc lộ đầy đủ, trung thực, khách quan. Trình tự, thủ tục tố tụng bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tiến hành xử án, Hội đồng xét xử đã làm rõ tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định hành chính bị kiện và các quyết định hành chính có liên quan. Và qua tranh tụng, xét thấy yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử đã quyết định bác yêu cầu của người khởi kiện.

Nguyên tắc, quy định tố tụng trong phiên tòa xét xử trực tuyến luôn được bảo đảm

Nhớ lại lần đầu tiên ngồi ghế Chủ tọa phiên tòa hành chính trực tuyến, Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam vẫn không giấu được sự bồi hồi. Vị Thẩm phán này chia sẻ, là người giữ vai trò Chủ tọa phiên tòa hành chính trực tuyến đầu tiên nên ông cũng có chút căng thẳng. Bởi đây là vinh dự nhưng cũng mang một trọng trách lớn lao vì nó thể hiện sự tiên phong của cả 2 cấp Tòa án Hà Nội trong hoạt động xét xử trực tuyến đối với loại án hành chính rất khó. Và theo Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam, việc xét xử trực tuyến trước mắt nhằm hỗ trợ hoạt động xét xử truyền thống. Còn về lâu dài, nó sẽ dần thay thế phiên tòa trực tiếp, giúp cho Tòa án nâng cao chất lượng xét xử và thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, phiên tòa trực tuyến còn giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt hơn. “Với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến không chỉ là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh (đã và có thể xảy ra) mà còn góp phần rất lớn trong việc giảm tải án quá hạn, giải quyết kịp thời các vụ án và tránh cho đương sự phải di chuyển đi lại tốn kém…” - vị Thẩm phán của Tòa án nhân dân TP Hà Nội nhìn nhận.

Trong năm công tác 2023, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp TP Hà Nội tổ chức xét xử 1.029 phiên tòa theo hình thức trực tuyến, vượt chỉ tiêu 1.000 vụ. Trong đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử 89 vụ, Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử 940 vụ.

Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Theo một lãnh đạo Tòa án nhân dân TP Hà Nội chia sẻ, kết quả trên là nỗ lực rất lớn của Tòa án nhân dân hai cấp TP Hà Nội vì hiện tại điều kiện, cơ sở vật chất còn rất hạn chế, chỉ có Tòa án nhân dân TP Hà Nội và Tòa án quận Thanh Xuân bố trí được phòng xử trực tuyến. Và từ hai điểm cầu trung tâm này cũng chỉ mới kết nối được với hai điểm cầu thành phần là tại Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện. Dẫu vậy, năm 2024 và những năm tiếp theo, Tòa án nhân dân của hai cấp tại Hà Nội sẽ tiếp tục, nỗ lực vượt qua khó khăn để đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa cả về số lượng cũng như chất lượng các phiên tòa trực tuyến.

Nhìn lại hoạt động xét xử trực tuyến bước đầu triển khai trong hơn 1 năm qua, Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) Ngô Thị Vân cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định và cũng phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội. Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Ba Đình nhấn mạnh, tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến trước mắt sẽ mang lại những kết quả như: công tác xét xử đã tiếp cận được việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp. Thực hiện các phiên tòa trực tuyến sẽ không cần trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ, tạm giam của huyện hay tỉnh để tham gia phiên tòa. Từ đó sẽ tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa, đồng thời bảo đảm được thời gian xét xử.

Là người trực tiếp “cầm cân nảy mực” một số phiên tòa xét xử trực tuyến thời gian gần đây, Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung (Tòa án nhân dân quận Ba Đình) nhìn nhận: “Chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, xu thế hội nhập đang là nhu cầu và cũng là xu hướng phát triển. Vì thế, việc xét xử trực tuyến là đưa công nghệ gần hơn với bộ máy tư pháp, đưa pháp luật hướng đến sự công khai, minh bạch và gần với người dân hơn”. Nữ Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Ba Đình còn chỉ ra rằng, phiên tòa trực tuyến có tính an toàn cao cho hội đồng xét xử khi phải xét xử những vụ án có đương sự phức tạp, rút ngắn thời gian về di chuyển cũng như tiết kiệm được chi phí… Tuy nhiên, những vụ án phù hợp cho việc xét xử trực tuyến sẽ tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án và từng địa phương cụ thể.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xet-xu-truc-tuyen-xu-huong-tat-yeu-trong-cai-cach-tu-phap-post566213.antd