Xét xử phải dựa trên nguyên tắc tranh tụng

Ngày 13-2, TAND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, nhấn mạnh: “Tòa án phải xét xử dựa trên nguyên tắc tranh tụng và nghiên cứu hồ sơ. Chứng cứ phải được trưng ra tại phiên tòa. Cả trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải suy đoán theo hướng vô tội. Ngay cả khi ra tòa, chỉ cần một tình tiết còn phân vân thì tòa cũng phải xem xét lại cho kỹ lưỡng để tránh oan sai…”.

Vấn đề nâng cao tranh tụng tại phiên tòa được nhiều thẩm phán quan tâm, thảo luận. Thẩm phán Trần Huy Đức, Chánh án TAND quận Liên Chiểu, cho rằng để nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa thì việc tuân thủ những quy định chung của pháp luật tố tụng là rất quan trọng. Đối với các phiên tòa hình sự, tranh tụng là hoạt động diễn ra ở phần xét hỏi và phần tranh luận của phiên tòa. Theo đó, VKSND là cơ quan buộc tội, do vậy việc chứng minh bị cáo có tội hay không là thuộc trách nhiệm của viện. HĐXX không được hỏi, không được kết luận về những vấn đề thuộc nội dung vụ án theo hướng có hay không có mà chỉ nêu ra những vấn đề cần giải quyết của vụ án để các bên tham gia tranh tụng.

Theo thẩm phán Đức, ngoài việc yêu cầu VKSND xét hỏi toàn bộ nội dung của vụ án, kể cả phần dân sự, xử lý tang vật, chủ tọa phải tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng được trình bày một cách khách quan về những nội dung có liên quan đến mình. Nếu chủ tọa thấy kiểm sát viên (KSV) có thái độ không khách quan thì cần điều chỉnh ngay nhằm đảm bảo hiệu quả của tranh tụng, tránh gây tâm lý ức chế, hoang mang, lo sợ đối với những người tham gia tố tụng.

Ông Đức dẫn chứng thêm: “Thực tế lâu nay có nhiều trường hợp bị cáo, người tham gia tố tụng vẫn chưa thỏa mãn với kết quả xét hỏi nhưng do chủ tọa phiên tòa thường làm thay KSV trong việc chứng minh tội phạm nên đã tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia tố tụng cho rằng khi KSV đã luận tội thì HĐXX sẽ tuyên như đề nghị đó. Do đó, chủ tọa cần khắc phục ngay tâm lý đó thông qua việc giải thích cho họ hiểu rằng “ý nghĩa của lời luận tội chỉ mang tính chất tham khảo”, những người tham gia tố tụng có quyền chứng minh quan điểm của KSV không đúng”.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã dẫn ra một thực tế rằng hiện có một số thẩm phán do lo ngại bản án sẽ bị VKS kháng nghị nên thường căn cứ vào quan điểm giải quyết vụ án của viện để ra bản án. Đây là nhận thức không chuẩn, trái với nguyên tắc tố tụng tiến bộ và đi ngược lại với tinh thần cải cách tư pháp.

TẤN TÀI

Cũng trong dịp này, Chánh án Trương Hòa Bình đã trao quyết định tặng thưởng huân chương lao động hạng Nhì cho ông Đặng Ánh - Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, tặng huân chương lao động hạng Ba cho TAND quận Cẩm Lệ và bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP Đà Nẵng. Đại diện TAND Tối cao cũng đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho TAND quận Liên Chiểu. Ngoài ra, một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cũng được tặng thưởng.

Theo lãnh đạo tòa, trong năm 2013 TAND TP Đà Nẵng đã giải quyết hơn 5.000 vụ án, chiếm tỉ lệ hơn 98,5% án thụ lý, không có tình trạng án quá hạn. Theo báo cáo của TAND TP Đà Nẵng, trong năm 2013 cơ quan này nhận được ba đơn tố cáo thẩm phán vi phạm pháp luật, cố tình kéo dài vụ án, gây khó khăn cho đương sự. Qua kiểm tra, tòa xác định có một trường hợp tố cáo có căn cứ nên đã xử lý kỷ luật và điều chuyển công tác.

Nguồn PLO: http://plo.vn/tap-chi-phap-luat/xet-xu-phai-dua-tren-nguyen-tac-tranh-tung-448286.html