Xe tang vật bị cháy ở Bình Thuận: Chủ xe cần chuẩn bị gì để được bồi thường?

Nguyên nhân vụ cháy xe tang vật vi phạm hành chính trong trụ sở Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) ngày 9/3 được xác định do sự bất cẩn của một chiến sĩ công an nghĩa vụ.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, hậu quả vụ cháy nói trên tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi hơn 200 chiếc xe máy tang vật.

Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy được cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xác định, khi đưa xe máy vi phạm về nhà giữ xe tang vật của Công an huyện Tánh Linh thì 1 cán bộ công an thực hiện hút xăng ra để đưa vào bảo quản theo quy trình.

Đúng vào thời điểm này, một chiến sĩ công an nghĩa vụ huyện Tánh Linh đi ăn cơm về đã ném điếu thuốc vừa hút xong xuống đất, gió cuốn tàn thuốc bay vào vị trí đang hút xăng gây nên vụ cháy.

Sau khi tiến hành dập tắt đám cháy, cơ quan chức năng thống kê thiệt hại từ việc cháy xe tang vật khoảng 2 tỷ đồng.

Vụ cháy ngày 9/3 đã thiêu rụi hơn 200 xe tang vật trong nhà để xe của Công an huyện Tánh Linh (ảnh Công an Bình Thuận).

Hiện, Công an tỉnh Bình Thuận đã đã chỉ đạo Công an huyện Tánh Linh thực hiện việc bồi thường dân sự cho người có phương tiện vi phạm bị cháy theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy, chủ xe tang vật bị cháy cần làm gì để nhanh chóng nhận được bồi thường, quanh vấn đề này, Ths.Luật sư Đào Thanh Tuấn (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) đã có những chia sẻ.

Luật sư Đào Thanh Tuấn cho biết, khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung năm 2020 đã quy định rõ, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 cũng quy định người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Luật sư Đào Thanh Tuấn chia sẻ về thủ tục nhận bồi thường khi xe tang vật bị cháy.

"Để nhận được bồi thường từ cơ quan chức năng đối với xe tang vật bị cháy, trước tiên chủ xe cần nộp phạt hành chính (nếu xe bị lập biên bản vi phạm hành chính).

Sau đó có đơn yêu cầu Công an huyện Tánh Linh xác định xem chiếc xe tang vật của mình có chính xác bị cháy trong vụ hỏa hoạn hay không.

Khi công an trả lời xe của mình đã bị cháy thì chủ xe cần chuẩn bị đăng ký xe, bảo hiểm xe (nếu có); giấy tờ tùy thân, biên lai đã nộp phạt hành chính kèm đơn yêu cầu Công an huyện Tánh Linh tiến hành bồi thường.

Chủ xe tang vật có thể diễn giải rõ về giá trị của xe, thời gian đã sử dụng xe, hồ sơ bảo trì, bảo dưỡng, hình ảnh chiếc xe (nếu có) để cơ quan công an có thêm nguồn thông tin tham khảo trong quá trình định giá, tiến hành bồi thường"- Luật sư Đào Thanh Tuấn cho biết.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ thêm: "Trong trường hợp này, còn có yếu tố bảo hiểm, nên chiếc xe tang vật nào bị cháy mà đã có bảo hiểm dân sự rồi thì chủ xe, cơ quan công an và bảo hiểm sẽ làm việc với nhau để tìm ra hướng bồi thường tốt nhất cho chủ xe".

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xe-tang-vat-bi-chay-o-binh-thuan-chu-xe-can-chuan-bi-gi-de-duoc-boi-thuong-169240317162224477.htm