Xe bay gây ấn tượng tại Triển lãm Hàng không Paris
Rất nhiều công ty khởi nghiệp và nhà sản xuất máy bay lớn như Boeing đã giới thiệu sản phẩm xe bay mới tại Triển lãm hàng không Paris (Pháp) vào ngày 19.6.
Nhiều mẫu xe bay đã được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Paris (Pháp) diễn ra từ ngày 19 - 25.6, khi những nhà sản xuất lớn nhỏ cho ra mắt công nghệ vận tải thế hệ tiếp theo.
Lần đầu tiên, một khu vực được dành riêng cho xe bay xuất hiện tại triển lãm có lịch sử từ năm 1909. Xe bay, còn gọi là eVTOL, hoạt động bằng điện và có thể cất, hạ cánh thẳng đứng. Do không cần đường băng và có ít bộ phận hơn, xe bay hứa hẹn sẽ có chi phí vận hành thấp hơn máy bay thông thường.
Khi được ứng dụng thực tế, những chiếc xe bay được dự đoán sẽ tái định hình giao thông toàn cầu, giảm tình trạng ùn tắc và phát thải khí nhà kính. Mức độ cạnh tranh trong phát triển các công nghệ liên quan đến loại phương tiện này ngày càng gia tăng, khi những nhà sản xuất chạy đua nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật.
Nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing đã giới thiệu mẫu xe bay được phát triển bởi Wisk Aero - một công ty khởi nghiệp mà hãng này có cổ phần. Chiếc xe có thể vận hành tự động khi chở theo 4 hành khách, nhằm giải quyết tình trạng thiếu phi công.
Volocopter, một công ty khởi nghiệp của Đức có phần đầu tư của Công ty Sumitomo, đã trưng bày một chiếc xe bay hai chỗ mà họ dự định sẽ bay tại Triển lãm World Expo 2025 ở Osaka (Nhật Bản).
Joby Aviation, một công ty khởi nghiệp Mỹ được cấp vốn bởi Toyota Motor, cũng trình làng mẫu xe do doanh nghiệp này phát triển. Chiếc máy bay này có thể đạt tốc độ 320km/h với tầm bay trên 240km. Trong khi đó, Yihan, một công ty đến từ Trung Quốc, cũng đang nghiên cứu dòng phương tiện không cần phi công để vận hành.
Xe bay dự kiến sẽ được sử dụng cho du lịch, dịch vụ cấp cứu và taxi. Thị trường toàn cầu cho các phương tiện bay, bao gồm cả máy bay không người lái, được dự đoán sẽ đạt 35,7 tỉ USD vào năm 2032, tăng từ 11,1 tỉ USD vào năm 2022, theo báo cáo của Công ty Precedence Research (Canada).
Tuy nhiên, nhiều vấn đề kỹ thuật vẫn còn tồn tại trước khi xe bay có thể được bày bán rộng rãi. Các cơ sở sạc pin cần được xây dựng với giá thành hợp lý. Một số loại xe bay có giá lên tới hơn một triệu USD. Mối quan tâm chính hiện tại là liệu quá trình sản xuất hàng loạt có giúp hạ giá sản phẩm này.
Với không gian triển lãm rộng 125 nghìn m2 - tương đương gần 18 sân bóng đá - dự kiến Triển lãm hàng không Paris năm nay sẽ thu hút khoảng 320 nghìn lượt khách tham quan trong suốt 1 tuần diễn ra sự kiện.
Triển lãm Hàng không Paris là cơ hội để khoảng 2.500 công ty trình diễn các máy bay, thiết bị bay không người lái, máy bay trực thăng và các nguyên mẫu taxi bay mới nhất của mình.
Theo ban tổ chức, ít nhất 158 máy bay, máy bay trực thăng và thiết bị bay không người lái sẽ được trưng bày tại triển lãm, từ các máy bay thương mại đường dài mới nhất cho đến máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ.
Năm nay, triển lãm đặt trọng tâm mới vào quốc phòng, cùng nỗ lực của ngành hàng không nhằm giảm thiểu lượng khí thải. Đây cũng là sự kiện quan trọng thúc đẩy doanh thu cho ngành hàng không dân dụng và quốc phòng.