Xây dựng thành phố an toàn trong thiên tai đến năm 2030

ĐNO - Ngày 13-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức hội thảo lấy ý kiến đại diện các đơn vị Trung ương, các sở, ban, ngành, địa phương và chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai (PCTT), bảo vệ môi trường về nội dung Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa (giữa) thông tin một số nội dung, giải pháp chính của Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu chung đến năm 2030 là thành phố cơ bản chủ động PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Hoàn thành việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai; xây dựng nhà ở hoặc nhà cộng đồng tránh bão, ngập lụt theo kịch bản tương ứng; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chuyên dùng, cơ sở dữ liệu trong PCTT; năng lực dự báo, theo dõi, cảnh báo thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa cho biết, đề án tập trung vào các nội dung, giải pháp chủ yếu như: thành lập cơ quan chuyên trách về PCTT; giải quyết vấn đề thoát lũ các lưu vực sông và các khu dân cư, khu đô thị, đặc biệt là thi công bổ sung hoặc mở rộng các cầu, cống qua các tuyến đường đang gây cản trở thoát lũ; đề nghị mở rộng khu trú bão âu thuyền Thọ Quang cho các tàu thuyền neo đậu an toàn; quy hoạch lại các khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét; giải quyết ngập úng, ngập lụt tại các khu dân cư, khu đô thị; ứng dụng khoa học, công nghệ trong cảnh báo, giám sát thiên tai để ứng phó kịp thời; giữ tỷ lệ che phủ rừng ít nhất 47%...

Ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (nay là Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, qua số liệu thống kê có thể thấy, thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trên đất liền và trên biển rất lớn nên thành phố cần tập trung các giải pháp để giảm thiệt hại theo hướng này; đồng thời cần bổ sung đánh giá thiệt hại, mức độ ảnh hưởng của nắng nóng gây ra và có giải pháp ứng phó.

Th.S. Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần coi trọng công tác bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa nước; sớm đánh giá ảnh hưởng của tuyến đường vành đai phía tây đối với việc thoát lũ, nhất là lũ quét tại lưu vực sông Túy Loan; bổ sung nghiên cứu khai thác nguồn nước ngọt tại sông Thu Bồn ở khu vực Giao Thủy (tỉnh Quảng Nam) để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

Các địa phương cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình trạng du lịch tự phát ở các sông, suối, khe để tránh gây mất an toàn cho du khách khi có mưa mưa lớn bất ngờ, lũ quét...

TS. Lê Hùng, giảng viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đề nghị thành phố sớm quy hoạch hành lang thoát lũ dọc các tuyến sông, nhất là sông Cu Đê, sông Yên...

Đồng thời bổ sung cấp báo động lũ trên các tuyến sông và cấp báo động lũ trên sông Yên tại đập dâng An Trạch; đánh giá lại sự cần thiết của trạm bơm chống ngập ở khu vực tuyến đường Trương Chí Cương (quận Hải Châu) vì những năm gần đây mức độ ngập lũ của sông Hàn thấp hơn, nước mưa có thể tự thoát ra sông, nếu thấy không hiệu quả thì di dời trạm bơm này đến lắp đặt ở khu vực cần thiết hơn...

HOÀNG HIỆP

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5403/202207/xay-dung-thanh-pho-an-toan-trong-thien-tai-den-nam-2030-3917828/