Xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về 'Công tác dân số trong tình hình mới' ban hành tháng 10/2017 đã đề ra mục tiêu 'thích ứng với già hóa dân số' và chỉ ra giải pháp 'Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi'.
THẾ KỶ GIÀ HÓA
Người cao tuổi (NCT), theo Luật pháp Việt Nam là những người đủ 60 tuổi trở lên. Nhiều nước đã phát triển quy định tiêu chuẩn này là 65 tuổi. Một quốc gia được coi là bắt đầu bước vào quá trình già hóa là khi có số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% tổng dân số, từ 20% đến dưới 30% thì gọi là dân số già, từ 30% đến dưới 35% thì gọi là dân số “rất già”; từ 35% trở lên gọi là “siêu già”. Nếu NCT được tính từ 65 tuổi trở lên thì các “ngưỡng” nói trên thứ tự là: 7%; 14%; 20% và 30%. Để phản ảnh mức độ “già” của dân số, ngoài tỷ lệ NCT, người ta còn dùng “chỉ số già hóa”, tức là số người 60 tuổi trở lên tương ứng với 100 trẻ em, tuổi từ 0 đến 14.
NCT ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và tỷ lệ. Nếu năm 1960, không có nước nào trên thế giới có tuổi thọ trung bình 80 tuổi trở lên thì năm 2011, con số này là 31. Đối với tuổi thọ trung bình 70 tuổi trở lên thì các con số tương ứng là 13 và 113. Cũng trong khoảng thời gian trên, mức sinh lại giảm đi một nửa, từ 5 con/phụ nữ xuống chỉ còn 2,5 con/phụ nữ. Sau 50 năm (1950-2000), dân số tăng khoảng 2,43 lần, số NCT tăng 2,76 lần. Nếu 50 năm qua, người ta thường nói tới “bùng nổ dân số” thì ngày nay phải nói “siêu bùng nổ NCT”. Nửa đầu thế kỷ XXI, già hóa dân số diễn ra mạnh mẽ hơn: Nếu 50 năm cuối của thế kỷ XX, tỷ lệ NCT trong tổng dân số chỉ tăng thêm được 1,1% và đạt 9,7% vào năm 2000 thì 50 năm đầu của thế kỷ XXI, tỷ lệ này sẽ tăng thêm 12,2% và lên tới 21,9% năm 2050. Có thể nói, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh như vũ bão nhưng cũng đang già đi nhanh chóng.
Cùng với xu hướng chung của thế giới, NCT Việt Nam không ngừng tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Tốc độ tăng NCT ở nước ta rất cao và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng dân số. Từ 1979 đến 2019, dân số nước ta tăng 1,79 lần nhưng NCT tăng 3,1 lần. Như vậy, nếu trước đây sự gia tăng dân số được gọi là “bùng nổ” thì ngày nay chúng ta đang chứng kiến quá trình “siêu bùng nổ NCT”. Thời gian tăng gấp đôi tỷ lệ NCT đang được rút ngắn lại. Để NCT từ 10% (bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa) tăng lên 20% (bắt đầu có dân số già), nước Pháp mất 115 năm (1865-1980), Thụy Điển 85 năm (1890-1975),… còn Việt Nam được dự báo chỉ mất 27 năm; thậm chí nhiều dự báo chỉ mất 20 năm. Điều này có nghĩa là, so với các nước phát triển, thời gian chuẩn bị cơ sở kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho xã hội có dân số già của Việt Nam rút ngắn một cách siêu tốc.
Nguyên nhân già hóa của Việt Nam cũng tương tự nguyên nhân của thế giới nhưng mạnh mẽ hơn. Trước hết là tuổi thọ được nâng cao, từ 44,4 tuổi năm 1960 lên 73,6 tuổi năm 2019, đồng thời mức sinh giảm mạnh từ 7 con vào thập kỷ 1960, xuống khoảng 2 con, ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21. Đây sẽ là các nhân tố thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình già hóa dân số nước ta trong khoảng 10 - 20 năm tới.
Bảng : Người cao tuổi của Việt Nam: Số lượng và tỷ lệ
XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI CAO TUỔI
Có thể hình dung, môi trường thân thiện với NCT sẽ là môi trường hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu có lợi cho NCT nhằm nâng cao hạnh phúc của họ và hạn chế nhu cầu có hại cho sức khỏe, như rượu và thuốc lá,... Đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần cho NCT cần tính đến nét đặc thù về sức khỏe, tâm sinh lý của NCT; tuyên truyền để người dân bảo vệ, giảm thiểu rủi ro cho NCT ngay chính tại ngôi nhà của mình và khi đi lại.
Để sống được, hoạt động được, đạt được cuộc sống hạnh phúc, NCT cần được đáp ứng một số nhu cầu chia thành 3 nhóm sau: Nhóm 1: Các sản phẩm và dịch vụ, gồm: 1) Nhu cầu cơ bản, phù hợp với sức khỏe, như: lương thực, thực phẩm, quần áo, nhà ở, an toàn, chăm sóc y tế và chăm sóc dài hạn; 2) Học tập nâng cao trình độ; 3) Vận động, đi lại; 4) Thông tin; 5) Thể thao; 6) Du lịch; 7) Giải trí. Bên cạnh đó, cần lưu ý, nhiều NCT còn có những nhu cầu có hại cho sức khỏe, như: 8) Đồ uống có cồn; 9) Thuốc lá và các loại thuốc để hút khác. Nhóm 2: Duy trì các mối quan hệ, gồm:10) Quan hệ gia đình, xã hội; 11) Đời sống tâm linh; Nhóm 3: Đóng góp cho gia đình, xã hội:12) Việc làm tạo thu nhập, các hoạt động khác hỗ trợ gia đình và cộng đồng.
Khả năng đáp ứng nhu cầu không chỉ phụ thuộc vào năng lực của bản thân NCT mà còn phụ thuộc, thậm chí phụ thuộc chủ yếu vào môi trường NCT sống (môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo). Việc duy trì các mối quan hệ cần có sự tham gia của các thành viên gia đình và cộng đồng.
Vai trò của gia đình đặc biệt quan trọng trong việc duy trì mối giao lưu giữa các thế hệ, bảo vệ thân thể, sự an toàn và tạo việc làm cho NCT, cùng với cộng đồng hỗ trợ nguồn lực để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho NCT. Tuy nhiên, xu hướng mức sinh ngày càng thấp; quy mô gia đình ngày càng nhỏ; phụ nữ làm việc ngoài gia đình; con cháu thường di cư, ở xa; sự khác biệt thế hệ ngay trong gia đình cũng ngày càng lớn, khiến vai trò của gia đình trong việc đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho NCT đang bị thách thức nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, khoảng 1/3 số người trong độ tuổi 60 - 64 và gần 2/3 số người 65 tuổi trở lên chưa tốt nghiệp tiểu học. Tỷ lệ NCT có trình độ sơ cấp trở lên, các tỷ lệ tương ứng là 16,2% và 7,3% (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2009). Trong cộng đồng thường có những phong tục, tập quán có lợi cho sức khỏe NCT nhưng cũng còn hủ tục, tập quán, quan niệm và thói quen khác có hại cho sức khỏe, không có lợi cho cuộc sống NCT, như nghiện rượu bia, thuốc lá, thuốc lào; không ủng hộ NCT tái hôn,...
Vì vậy, cộng đồng có thể đảm nhiệm thích hợp vai trò truyền thông, giáo dục, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, các trung tâm giáo dục cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự khác nhằm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, gìn giữ phong tục, tập quán có lợi; xóa bỏ hủ tục, tập quán, thay đổi những hành vi có hại cho sức khỏe NCT.
Nhà nước đóng vai trò nổi bật trong việc tạo dựng môi trường thân thiện với NCT là tạo ra khung khổ luật pháp, chính sách về NCT, theo hướng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân bảo vệ, chăm sóc, phát huy khả năng đóng góp của NCT. Nhà nước cũng lồng ghép xu hướng già hóa, chính sách đối với NCT vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, kế hoạch phát triển ngành Y tế cần tính đến các đặc trưng của quá trình già hóa dân số. Chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng hướng trực tiếp đến NCT; khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ rèn luyện sức khỏe, tham gia học tập, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Ví dụ như quy định tuổi nghỉ hưu, tuổi điều khiển xe cơ giới; ưu đãi về vốn tín dụng đối với NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo; miễn hoặc giảm phí khi sử dụng phương tiện giao thông, tham quan, du lịch, học tập...; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về NCT.
Cần có chiến lược xã hội hóa việc chăm sóc NCT. Chuyển từ chế độ “tự cung, tự cấp chăm sóc NCT” sang “dịch vụ chăm sóc NCT”. Trung tâm giáo dục cộng đồng, các câu lạc bộ và các tổ chức xã hội dân sự khác cần xác định “xóa mù”, nâng cao học vấn, tay nghề cho NCT (chú ý nhóm 60 - 64 tuổi) là nhiệm vụ chủ yếu. Cần huy động, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên, nhất là những NCT có trình độ học vấn hoặc chuyên môn kỹ thuật cao tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi nhằm bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống NCT.
Do tuổi thọ tăng lên, kinh tế - xã hội, kỹ thuật phát triển nhanh nên khoảng cách thế hệ ngày càng xa, sự khác biệt thế hệ ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ “mâu thuẫn thế hệ”, thậm chí “xung đột thế hệ”. Đây là thách thức rất lớn, có thể là lớn nhất đối với xây dựng môi trường thân thiện với NCT.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các hoạt động có nhiều thế hệ tham gia, giúp các thế hệ “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn luôn chia sẻ” để đoàn kết các thế hệ. Cần có chế tài mạnh mẽ đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật đối với NCT, nhất là hành vi bạo lực.
Nhiều nước trong khu vực mới bước vào quá trình già hóa dân số, hệ thống thông tin về NCT của quốc gia mới hình thành. Các nghiên cứu về NCT, xã hội già hóa, kinh nghiệm xây dựng môi trường thân thiện với NCT chưa nhiều. Vì vậy, cần đẩy mạnh điều tra, khảo sát, xây dựng hệ thống thông tin quản lý và hệ cơ sở dữ liệu về NCT. Tăng cường nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng môi trường thân thiện với NCT.
Xây dựng môi trường thân thiện với NCT là sự tổng hợp hay kết hợp các mối quan hệ, các hoạt động của doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng và Nhà nước tạo ra điều kiện và cơ hội tốt nhất phát huy được đầy đủ khả năng của NCT, để NCT cùng xã hội đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ./.
GS. TS. NGUYỄN ĐÌNH CỬ
Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội
Đại học Kinh tế quốc dân