Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá được các đơn vị quan tâm. Đây là giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tác hại của hút thuốc lá thụ động.
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới. Dù tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc có xu hướng giảm, nhưng năm 2023 vẫn ghi nhận 23% người lao động bị phơi nhiễm tại nơi làm việc và 21,3% tại cơ sở y tế.

Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các sơ sở y tế được thực hiện thường xuyên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 1,23 triệu người chết do các bệnh gây ra bởi sự phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hàng năm trên thế giới có khoảng 200 ngàn ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc.
Hút thuốc lá thụ động được xác định là nguyên nhân gây bệnh ở những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động có thể gây nên nhiều bệnh hiểm nghèo như: ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh tim mạch... Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc lá thụ động cao hơn 25%-30% so với những người không hít phải khói thuốc. Ở trẻ em, hút thuốc lá thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen; là một trong những nguyên nhân gây đột tử trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non.
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết, việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại nơi làm việc mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, nó giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Điều này không chỉ giảm gánh nặng chi phí y tế cho cá nhân và người sử dụng lao động, mà còn góp phần thực hiện quyền được sống và làm việc trong môi trường trong lành của người không hút thuốc.

Một lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc lá.
Ngoài ra, môi trường làm việc không khói thuốc lá giúp hạn chế các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc lá, tàn thuốc; tăng tính văn minh, lịch sự nơi công sở. Đây cũng là động lực để người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá, hướng tới lối sống lành mạnh. Khi không sử dụng thuốc lá, nguồn chi tiêu có thể dành cho những điều có lợi như: thực thẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa...
Đã qua, ngành y tế địa phương tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc tại cơ quan hành chính, cơ sở y tế, trường học... Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 9 lớp, thu hút 360 cán bộ tham gia. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả và ý thức thực thi quy định tại các đơn vị.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-dung-moi-truong-lam-viec-khong-khoi-thuoc-la-a120949.html