Xây dựng hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả

* Ông ĐỖ VĂN HÙNG, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị trả lời phỏng vấn

- Thưa ông! Được biết năm 2019, ngành Y tế tỉnh nhà đã triển khai nhiều hoạt động mang tính đồng bộ. Đề nghị ông cho biết những kết quả đã đạt được?

- Thưa ông! Được biết năm 2019, ngành Y tế tỉnh nhà đã triển khai nhiều hoạt động mang tính đồng bộ. Đề nghị ông cho biết những kết quả đã đạt được?

- Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương, sự tham gia của nhân dân, đặc biệt là sự phấn đấu nỗ lực của hơn 3.000 cán bộ công chức, viên chức nên ngành Y tế Quảng Trị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Năm 2019 là một năm đánh dấu sự nỗ lực của toàn ngành Y tế trong công tác khám chữa bệnh, hệ thống y tế từ tỉnh đến xã, phường không ngừng được củng cố, phát triển. Nhiều trang thiết bị y tế mới, hiện đại ngang với tuyến trung ương được đầu tư mua sắm và triển khai thực hiện có hiệu quả, nhờ vậy đã cứu sống nhiều ca bệnh khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến, qua đó được dư luận xã hội đánh giá cao như: Cứu sống bệnh nhân bị uốn ván cấp nặng giai đoạn toàn phát; can thiệp điều trị thành công ca phình động mạch chủ bụng; ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi khối u ở phổi; ứng dụng thành công kỹ thuật đốt nhiệt sóng cao tần để điều trị cho bệnh nhân mắc ung thư gan (RFA); cứu sống bệnh nhân người nước ngoài cấp cứu theo quy trình báo động đỏ liên viện và gần đây nhất là sự kiện lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa tỉnh đón cặp song sinh bằng thụ tinh nhân tạo...

Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện cũng đã có nhiều nỗ lực, tích cực đầu tư, triển khai thực hiện tốt và làm chủ được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, chữa trị nhiều ca bệnh khó mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên. Qua đó, không chỉ giúp người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương, mà đây còn là giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của các đơn vị, góp phần giảm áp lực cho tuyến trên, cũng như chi phí cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Về công tác phòng chống dịch bệnh, mặc dù năm 2019, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và kéo dài, đặc biệt là sốt xuất huyết tăng gấp nhiều lần so với năm 2018, song với quyết tâm cao độ, trên tinh thần tích cực, chủ động, ngoài tập trung củng cố mạng lưới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng các tuyến, Sở Y tế đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các sở, ban ngành liên quan chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh nên không có ca bệnh tử vong.

Các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia; tiêm chủng mở rộng; dân số - kế hoạch hóa gia đình; An toàn vệ sinh thực phẩm... được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh có 139/141 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế (đạt tỉ lệ 98,6 %); trên 93% người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Đặc biệt, ngành đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để hướng đến y tế thông minh, nối mạng giữa 3 cấp là Bộ Y tế- Sở Y tế và tuyến y tế cơ sở; liên thông các nhà thuốc, quầy thuốc và mạng quản lý dược trong toàn quốc; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn tỉnh nhà.

Bên cạnh nâng cao chất lượng chuyên môn, ngành Y tế còn quan tâm, chú trọng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các đơn vị y tế đều xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện theo phương châm “Người bệnh đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”... Nhờ vậy mà thời gian qua, đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà đã có nhiều thay đổi, tiến bộ hơn trong việc phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, được người bệnh, người nhà bệnh nhân và dư luận xã hội đánh giá rất cao.

- Theo ông, hiện nay ngành Y tế vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, thách thức đó là những vấn đề gì??

- Bên cạnh những kết quả đạt được như trên thì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết vẫn còn ở mức cao, nhưng sự phối hợp giữa một số đơn vị y tế với chính quyền địa phương còn chậm. Công tác duy trì bộ tiêu chí Quốc gia về y tế ở một số nơi chính quyền xã còn chưa chú trọng. Tỉ lệ phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp.

 Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Ảnh: HN

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Ảnh: HN

Cùng với đó, hiện nay hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, nhất là tuyến huyện, xã đã xuống cấp, trang thiết bị y tế lạc hậu; nguồn nhân lực chưa đảm bảo cả về số lượng, lẫn chất lượng... nên việc phát triển kỹ thuật mới ở tuyến cơ sở thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến đầu. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, mặc dù thời gian qua đã được chú trọng đầu tư về trang thiết bị và nguồn nhân lực, tuy nhiên hiện vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn nên tỉ lệ chuyển tuyến vẫn còn cao.

Ngoài ra, ngành Y tế còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc khác như: Các cơ sở y tế tuyến huyện sau khi sáp nhập do nhân lực thiếu theo quy định nên điều động nhân lực từ công tác dự phòng sang hoạt động chủ yếu vào khám bệnh, chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện để tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện. Lợi thế của y học cổ truyền và phục hồi chức năng chưa được phát huy tốt. Tình trạng vượt tuyến do nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải các bệnh viện tuyến trên vẫn còn xảy ra. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở các địa phương hầu hết đều tăng, nhất là huyện Đakrông và Hướng Hóa; tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh có giảm nhưng chưa bền vững. Số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn cao. Việc thực hiện chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sĩ chính quy làm việc tại tuyến cơ sở rất khó khăn và chưa hiệu quả.

- Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, ngành Y tế đã đề ra những giải pháp gì, thưa ông?

- Với mục tiêu cơ bản là tiếp tục xây dựng hệ thống y tế từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn theo hướng công bằng, hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Y tế Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Bộ Y tế về tăng cường công tác truyền thông, cung cấp y tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, đa dạng các loại hình truyền thông, tuyên truyền các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện truyền thông cho người dân về phòng bệnh, chữa bệnh, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao y đức, chuyên môn, nghiệp vụ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; triển khai phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước về các hoạt động chuyên môn cũng như các chế độ chính sách cho cán bộ y tế để cập nhật các thông tin.

Song song với đó, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi và các bệnh dịch theo mùa. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh kịp thời từ tuyến cơ sở và sẵn sàng các phương án đối phó khi có dịch bệnh xảy ra; xây dựng kế hoạch thực hiện tốt các mục tiêu đề ra của các chương trình mục tiêu y tế - dân số và các chương trình y tế khác.

Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các kỹ thuật mới ở tuyến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, qua đó tiến tới lộ trình thông tuyến bảo hiểm y tế vào năm 2021.Tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ ngành Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đầu tư có trọng điểm, tiến tới thành lập y tế cụm dân cư (gồm 2-3 xã có khoảng cách địa lý thích hợp) để tập trung nhân lực, vật lực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức như: cử đi đào tạo, đào tạo tại chỗ, luân chuyển cán bộ để đào tạo. Thực hiện các chính sách nhằm thu hút nhân lực có chất lượng về làm việc tại tỉnh. Kiện toàn lại bộ máy tổ chức khi các xã sáp nhập...

Đặc biệt, ngành Y tế tập trung xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở y tế công lập trên địa bàn toàn tỉnh”, trong đó chú trọng đầu tư về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng để trình Hội đồng nhân dân trong thời gian sớm nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hoài Nam (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146304