Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây sẽ giúp phát triển kinh tế Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

Chiều 25.5, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã thảo luận tại Tổ 2 nội dung về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo đại biểu Trần Việt Anh, việc thực hiện dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ

Ngoài ra, qua đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

ĐBQH Trần Việt Anh phát biểu

ĐBQH Trần Việt Anh phát biểu

Thể hiện sự đồng tình với chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhận định: từ trước đến nay, các cơ chế chính sách đặc thù luôn phát huy hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, các “nút thắt” của các cơ chế, chính sách thông thường, giúp cho các chương trình, dự án được hoàn thành đúng tiến độ đặt ra. Đại biểu đề xuất với tuyến cao tốc này và cả dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo tiền lệ thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Thảo luận về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu thống nhất cao việc điều chỉnh là cần thiết, bảo đảm tính rõ ràng, đầy đủ về nguồn vốn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tiễn. Việc điều chỉnh sẽ được thực hiện cụ thể cho giai đoạn sau (2026 - 2030) trên cơ sở xem xét báo cáo tổng kết Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ vào cuối năm 2025. Về hình thức điều chỉnh, nội dung này sẽ được bổ sung vào nghị quyết chung của kỳ họp.

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu

Đáng chú ý, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, chương trình này từ khi được phê duyệt có tiến độ triển khai chậm. Qua thực tiễn giám sát cho thấy nhiều địa phương đang gặp không ít vướng mắc, trong đó, cách hỗ trợ của Chương trình đang thực hiện theo cách giữ chân đồng bào sống tự nhiên mà không khuyến khích thay đổi tập quán, phương thức sản xuất.

"Cần phải thay đổi chiến lược đầu tư của Chương trình thành phương thức đầu tư hỗ trợ bền vững, chuyển đổi tiềm năng thành thế mạnh. Chương trình cũng nên tập trung đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú, bán trú, giúp thay đổi nhận thức, tư duy của các thế hệ trẻ em người dân tộc miền núi”, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/xay-dung-duong-cao-toc-bac-nam-phia-tay-se-giup-phat-trien-kinh-te-tay-nguyen-va-dong-nam-bo-i372855/