Xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù, thu hút giáo viên đến những vùng khó khăn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh về nguyên nhân của việc thiếu giáo viên; việc triển khai thực hiện Thông tư 19, Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sáng nay, 28/3, Ban Văn hóa –Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần cho sự phát triển ngành Giáo dục Cà Mau. Dự buổi làm việc có ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh.

Ðộng lực để giáo viên gắn bó với nghề
Giáo viên huyện Ngọc Hiển đề xuất chế độ đãi ngộ đặc thù

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, số viên chức hiện có so với định mức quy định của cấp mầm non thiếu 289 người, cấp tiểu học thiếu 296 người, cấp THCS thiếu 305 người, cấp THPT thiếu 318 người.

Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo đánh giá đúng thực trạng thiếu giáo viên, để đề xuất chính sách thu hút, đào tạo giáo viên gắn bó với vùng khó khăn.

Năm 2023, có 4 huyện thực hiện tuyển dụng viên chức (Cái Nước, Trần Văn Thời, Năm Căn, Phú Tân) nhu cầu cần tuyển dụng là 460 chỉ tiêu, trúng tuyển 142 chỉ tiêu, đạt 31%. Năm 2024, ngành giáo dục đang thực hiện rà soát, xây dựng lại Đề án vị trí việc làm theo các văn bản mới ban hành, do đó sau khi Đề án vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ rà soát và tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng các vị trí việc làm còn thiếu.

Về tỷ lệ tuyển dụng đạt thấp, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết, thí sinh đăng ký tuyển dụng ở nhiều nơi, do đó có đăng ký nhưng không tham gia dự tuyển. Các vị trí nhân viên thư viện, thiết bị thí nghiệm, công nghệ thông tin, văn thư, y tế... hiện còn thiếu nhiều theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển rất ít, không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Một số môn học như Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, số lượng đăng ký nhiều nhưng nhu cầu cần tuyển dụng ít, tỷ lệ cạnh tranh cao.

Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, lưu ý Sở Giáo dục - Đào tạo có hướng dẫn về chế độ thỉnh giảng để tạo sự thống nhất toàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo đề xuất, hiện tại các cơ sở giáo dục đang thời điểm giữa học kỳ 2 của năm học 2023-2024, việc sắp xếp số lớp, học sinh, đội ngũ giáo viên cơ bản đã ổn định; việc triển khai thực hiện Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT đối với ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, tạm thời ổn định trường, lớp, đội ngũ giáo viên năm học 2023- 2024; ngành giáo dục sẽ triển khai kế hoạch sắp xếp theo các Thông tư mới từ năm học 2024-2025.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn bày tỏ băn khoăn về những nơi thiếu giáo viên do điều kiện đi lại, cuộc sống khó khăn; kinh phí cho giáo viên thỉnh giảng; quy chuẩn bàn ghế, bố trí bảng một số trường chưa phù hợp, một số phòng học không có bục giảng, ảnh hưởng đến chất lượng học tập…

Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá cao cách đặt vấn đề và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Giáo dục. Đồng thời, đề nghị Sở Giáo dục đánh giá cụ thể khó khăn trong thực hiện Thông tư 19, Thông tư 20. Phó chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu sở đánh giá đúng thực trạng thiếu giáo viên, để đề xuất chính sách thu hút, đào tạo giáo viên gắn bó với vùng khó khăn.

Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, lưu ý Sở cần có hướng dẫn về chế độ thỉnh giảng để tạo sự thống nhất toàn tỉnh; về bục giảng, bàn học, cần có công văn chỉ đạo chấn chỉnh. Trong xây dựng đề xuất chính sách, ngành nên xem xét tính đặc thù, hướng đến những vùng sâu, vùng xa; khuyến khích con em Cà Mau tham gia đào tạo ngành Giáo dục bằng chế độ ưu đãi để chuẩn bị đội ngũ giáo viên kế thừa.

Trước buổi làm việc với Sở Giáo dục – Đào tạo, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có chuyến khảo sát một số điểm trường và làm việc với các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời và Thới Bình./.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-dung-chinh-sach-uu-dai-dac-thu-thu-hut-giao-vien-den-nhung-vung-kho-khan-a31848.html