Xây dựng cải tạo công trình y tế: Tiến độ ì ạch

Hồ sơ đầu tư công trình và hạng mục công trình các trạm y tế tuyến xã còn nhiều thiếu sót chưa đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; khi các công trình đủ điều kiện để khởi công xây dựng, các nhà thầu chưa huy động tối đa thiết bị, vật tư, nhân lực để triển khai… Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng, cải tạo công trình y tế sử dụng vốn phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ.

Tổ chức thi công móng công trình trạm y tế xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình

Tổ chức thi công móng công trình trạm y tế xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình

Trong năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và UBND các huyện, thành phố được giao triển khai xây mới, cải tạo 3 trung tâm y tế tuyến huyện và 50 trạm y tế tuyến xã sử dụng vốn phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ với tổng mức đầu tư hơn 221 tỷ đồng. Trong đó, dự án đầu tư xây mới, cải tạo 3 công trình trung tâm y tế tuyến huyện: Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo 50 trạm y tế tuyến xã có tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng được chia làm 11 dự án thành phần do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư; cơ cấu nguồn vốn đối với 50 trạm y tế tuyến xã gồm 100 tỷ vốn trung ương phân bổ từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế và hơn 23 tỷ đồng đối ứng từ ngân sách các huyện. Thời gian thực hiện các dự án trong năm 2022 – 2023, trong đó năm 2022 hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và năm 2023 triển khai thực hiện dự án.

Loay hoay thủ tục

Ngày 29/8/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND (Nghị quyết 16) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, cải tạo 50 trạm y tế tuyến xã. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được ấn định theo các mốc thời gian gồm: năm 2022 triển khai hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án; năm 2023 triển khai thực hiện và thi công hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy có khoảng 80% công trình khi lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật trình thẩm định xây dựng, cải tạo có nhiều thiếu sót, chưa đủ điều kiện phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể, hồ sơ các dự án thành phần do các huyện trình thẩm định đều có công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương; nội dung cải tạo sửa chữa có giá trị dự toán xây dựng vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh.

Từ đó, buộc UBND các huyện, thành phố phải rà soát lại tổng thể quy mô các công trình và báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy mô nguồn vốn đối ứng đối với một số dự án thành phần đã phê duyệt tại Nghị quyết 16. Điều này dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án thành phần bị kéo dài không đáp ứng được yêu cầu của tỉnh đề ra.

Ông Vi Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2022 và 2023, huyện Cao Lộc được giao kế hoạch vốn trung ương phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là 9 tỷ đồng để đầu tư 3 công trình trạm y tế. Tuy nhiên, tiến độ chuẩn bị hồ sơ của huyện chậm do thiếu sót một số hạng mục khi đề xuất quy mô đầu tư. Vì vậy, giữa chủ trương đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết 16 với hồ sơ thiết kế và dự toán chi tiết không khớp nhau dẫn tới phải chỉnh sửa nhiều lần. Chính vì thế, hồ sơ xây mới các công trình trạm y tế xã Phú Xá, Thụy Hùng và Hòa Cư của huyện Cao Lộc mất tới 9 tháng để hoàn thiện công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư (chậm 4 tháng so với các công trình có quy mô tương tự). Đến đầu tháng 7/2023, ba công trình nêu trên mới đủ điều kiện khởi công xây dựng, hiện các nhà thầu đang thi công phần móng.

Tương tự, tại huyện Tràng Định năm 2022 và 2023 được đầu tư xây mới, cải tạo 4 trạm y tế gồm: xây mới 2 trạm y tế thuộc xã Kháng Chiến và Khánh Long và cải tạo 2 trạm y tế tại xã Tân Yên và Vĩnh Tiến. Đến nay, cả 4 công trình này vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Giải thích nguyên nhân, ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tràng Định cho biết: Từ khi đăng ký vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đến khi trung ương phân bổ vốn và được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thì tại một số trạm y tế đăng ký đầu tư cải tạo, sửa chữa đã có sự sai khác so với ban đầu. Cụ thể như Trạm Y tế xã Tân Yên trong quá trình chờ được ghi vốn, huyện đã bỏ kinh phí để xây dựng một số phòng chuyên môn để bảo đảm hoạt động cho trạm, dẫn đến quy mô nội dung sửa chữa trạm y tế đã thay đổi. Từ đây, buộc huyện phải rà soát lại quy mô sửa chữa theo hướng bổ sung hạng mục khuôn viên, xây kè, tường rào, cổng. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 16 lại không có các hạng mục này, do đó, huyện phải giải trình với tỉnh và tiếp tục xin điều chỉnh nội dung đầu tư công trình. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thực hiện bước chuẩn bị đầu tư dự án thành phần tại huyện Tràng Định bị kéo dài.

Theo số liệu thu thập, tính đến ngày 22/7/2023, trong số 11 huyện, thành phố được giao thực hiện các dự án thành phần xây dựng 50 trạm y tế tuyến xã vẫn còn 4 đơn vị đang trong quá trình trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và lựa chọn nhà thầu thi công gồm: thành phố Lạng Sơn; huyện Tràng Định, Chi Lăng và Bắc Sơn. Đối với các huyện đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và thực hiện khởi công xây dựng chỉ có duy nhất huyện Văn Lãng tiến độ xây dựng đạt khá, các huyện còn lại thi công đều chậm. Trong đó, các công trình xây dựng trạm y tế mới đang thực hiện xây lắp hạng mục móng. Một số trạm y tế thực hiện sửa chữa vẫn chưa được nhà thầu triển khai, cụ thể như sửa chữa trạm y tế các xã Nam Quan, Minh Hiệp, Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình.

Khối lượng giải ngân nguồn vốn đối với dự án đầu tư xây dựng cải tạo 50 trạm y tế tuyến xã đến hết tháng 6/2023 được 12,7 tỷ đồng, tương đương 12,7% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Chưa quyết liệt triển khai

Nếu như công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng, cải tạo 50 trạm y tế tuyến xã rất chậm thì việc chuẩn bị đầu tư 3 trung tâm y tế tuyến huyện lại được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đơn vị được UBND tỉnh giao chủ đầu tư) triển khai khá nhanh. Trong tháng 6/2023, cả 3 công trình xây dựng, cải tạo trung tâm y tế tuyến huyện: Bắc Sơn, Cao Lộc và Lộc Bình đều được khởi công (đáp ứng yêu cầu tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh).

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, việc tổ chức xây lắp của các nhà thầu lại thiếu sự quyết liệt. Cụ thể, gói thầu thi công Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn được khởi công ngày 24/5/2023, đến nay sau 2 tháng triển khai nhà thầu mới hoàn thành phá dỡ và đang thi công hạng mục ép cọc móng khối nhà 6 tầng. Tương tự, tại gói thầu thi công Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc và Lộc Bình, việc tổ chức xây lắp tại hiện trường cũng khá im ắng dù không phải giải phóng mặt bằng.

Khảo sát thực tế tại gói thầu thi công Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc ngày 21/7/2023, chúng tôi thấy toàn công trường rất thưa vắng, tại khu vực cải tạo tòa nhà B1 khu chữa bệnh của trung tâm ghi nhận có khoảng 5 công nhân đang làm việc. Đối với khu vực xây mới nhà hành chính kết hợp điều trị nội trú 6 tầng và quy mô 35 giường bệnh chỉ thấy một bãi đất trống, thiết bị xe máy vật tư chưa thấy nhà thầu huy động tại hiện trường. Còn tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình, theo thông tin cập nhật đến sáng 24/7/2023, nhà thầu mới huy động phương tiện thiết bị tập kết tại hiện trường để triển khai các hạng mục.

Vì thế, giá trị khối lượng thực hiện 3 công trình trung tâm y tế tuyến huyện đến ngày 20/7/2023 khá thấp, ước đạt 5,5 tỷ đồng, giải ngân vốn được 29,6 tỷ đồng, tương đương 30,2% kế hoạch vốn giao (chủ yếu giải ngân tạm ứng hợp đồng xây lắp các gói thầu).

Ông Nguyễn Tiến Chất, Trưởng Phòng Tư vấn quản lý dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Nguyên nhân các nhà thầu triển khai thi công chưa đáp ứng yêu cầu do phạm vi thi công hẹp, nhà thầu lúng túng trong việc tổ chức sản xuất. Ban đã yêu cầu nhà thầu phải xây dựng phương án thi công khả thi để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của việc xây lắp công trình đến hoạt động khám chữa bệnh của trung tâm. Hiện chúng tôi đã tập trung đôn đốc nhà thầu khẩn trương triển khai thi công và phải báo cáo tình thực hiện theo tháng để thúc đẩy tiến độ.

Dự án xây dựng, cải tạo 3 trung tâm y tế tuyến huyện và 50 trạm y tế tuyến xã có ý nghĩa lớn, nhằm củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hơn nữa, theo yêu cầu của trung ương và của tỉnh, các dự án này phải hoàn thành xây dựng và giải ngân xong trong năm 2023. Tuy nhiên, với tiến độ triển khai như hiện nay, các chủ đầu tư và nhà thầu phải hết sức nỗ lực mới mong cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

TRANG NINH – TÂN AN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/599243-xay-dung-cai-tao-cong-trinh-y-te-tien-do-i-ach.html