Xây dựng bộ đội chủ lực bảo vệ chính quyền sau ngày độc lập

Sau khi giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước muôn vàn khó khăn, tình thế đất nước như 'ngàn cân treo sợi tóc', đòi hỏi Đảng ta phải có cách giải quyết thích hợp, nhanh chóng và vẫn giữ vững độc lập dân tộc. Trong đó, cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội chủ lực nhằm chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc nền độc lập và nhà nước còn non trẻ.

Các đơn vị lực lượng vũ trang tại Lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu

Các đơn vị lực lượng vũ trang tại Lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu

Cuối tháng 8-1945, chính quyền cách mạng mới thành lập, cùng lúc đối mặt với nhiều kẻ thù với tiềm lực quân sự và dã tâm lớn. Đó là quân Anh, dưới danh nghĩa quân Đồng minh, vào nước ta giải giáp quân Nhật. Núp sau quân Anh là quân Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần 2. Ở phía Bắc, chính quyền cách mạng mới thành lập phải đối mặt với 20 vạn quân Tưởng và lực lượng phản động. Đằng sau quân Tưởng là Mỹ.

Thời điểm đó, về phía ta, bộ đội chủ lực chỉ có 2 chi đội là chi đội 3 và 4 được chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9-1945, tuy các lực lượng vũ trang địa phương phát triển khá nhanh, nhưng các đơn vị vũ trang tập trung (bộ đội chủ lực) trực thuộc Trung ương còn ít. Thời điểm này, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần phải phát triển bộ đội chủ lực và lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt để bảo vệ thành quả cách mạng.

Nhận diện đúng bản chất của kẻ thù, đánh giá chính xác tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch, trên cơ sở hoạch định đường lối kháng chiến, kiến quốc đúng đắn, Đảng ta hết sức chú trọng, chăm lo xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước. Theo chủ trương của Đảng, phải củng cố lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, cuối tháng 10-1945, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị bàn về xây dựng Vệ quốc đoàn và kiến nghị được Trung ương Đảng phê duyệt. Theo phương hướng xây dựng đó, hàng triệu nam, nữ thanh niên trên cả nước đã hăng hái tham gia các lực lượng như dân quân, tự vệ, các đội bảo vệ ở cơ sở, tổ kháng chiến; trong đó, hơn 8 vạn người đã tình nguyện gia nhập Vệ quốc đoàn.

Cuối năm 1945, 40 chi đội bộ đội chủ lực được thành lập ở các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và một số tỉnh Nam bộ, với lực lượng khoảng 5 vạn người. Các chi đội ở Bắc bộ, Trung bộ được tổ chức, biên chế theo từng đơn vị cấp trung đoàn (gồm 32 trung đoàn) và 32 tiểu đoàn độc lập. Còn các chi đội ở Nam bộ, do điều kiện chưa phù hợp nên vẫn tổ chức 25 chi đội. Đây là những lực lượng nòng cốt để nhân rộng và phát triển mạnh mẽ bộ đội chủ lực sau này.

Song song với việc Trung ương Quân ủy được thành lập (tháng 1-1946) nhằm tham mưu cho Trung ương Đảng lãnh đạo toàn diện công tác quân sự trong quân đội; thì bộ đội chủ lực khu cũng tổ chức thành lập cấp ủy Đảng; đồng thời, tăng cường phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ.

Sau khi huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia bộ đội chủ lực, từ cuối năm 1945, hầu khắp các đơn vị lực lượng vũ trang trên cả nước đã tập trung bắt đầu triển khai công tác huấn luyện quân sự. Nội dung huấn luyện bao gồm: Động tác đội ngũ, cách sử dụng các loại vũ khí thông thường, kỹ thuật chiến đấu cá nhân, chiến thuật cấp tiểu đội, trung đội tiến công, phòng ngự. Sang năm 1946, chương trình, nội dung huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội chủ lực thống nhất theo quy định của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh xây dựng các đơn vị chủ lực bộ binh, 3 trung đội kỹ thuật cũng được thành lập, đó là: Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh (tháng 6-1946).

Nhằm xây dựng lực lượng vũ trang có trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ tác chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự các cấp. Trong cuốn “Hồ Chí Minh toàn tập” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, có đoạn viết: “Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác”. Bộ đội chủ lực luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt, ngoài việc chú trọng huấn luyện quân sự, còn được trang bị lý luận, tinh thần cách mạng, góp phần tạo ra người cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Với tinh thần đó, lực lượng vũ trang nhanh chóng dồn lực vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ. Giữa tháng 12-1946, hàng nghìn cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ở Nam Trung bộ, Trung đoàn 81, Trung đoàn 82 và 13 đội Tự vệ thành ở Nam bộ đã phối hợp với các đội cảm tử tiến công địch, phát triển chiến tranh du kích, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, không thể đưa quân tăng viện ra Bắc. Qua những trận đánh với quân địch, trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội chủ lực ngày càng được nâng cao, khả năng hiệp đồng chiến đấu, nghệ thuật tác chiến cũng từng bước trưởng thành, quy mô, tổ chức, biên chế được mở rộng. Đây là những thành quả bước đầu của bộ đội chủ lực những ngày đầu mới thành lập.

Như vậy, ngay sau ngày độc lập đến cuối năm 1946, sự phát triển nhanh chóng của bộ đội chủ lực đã cho thấy tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của toàn quân và dân cả nước, cùng đứng lên chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc nền độc lập nước nhà. Xây dựng bộ đội chủ lực là một trong những thành tựu nổi bật, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bảo vệ được chính quyền cách mạng và chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến.

Văn Tùng - Đức Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-bo-doi-chu-luc-bao-ve-chinh-quyen-sau-ngay-doc-lap-post432739.html