Xã Hội | Vấn đề hôm nay | Bạn đọc viết TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò rất lớn trong đảm bảo năng suất cây trồng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, phần lớn thuốc BVTV có dạng gói, chai lọ nhựa khó phân hủy và sau khi sử dụng vẫn còn tồn đọng một lượng hóa chất trong bao bì. Nếu không được thu gom và xử lý đúng cách dễ bị ngấm theo nguồn nước gây ra nhiều hệ lụy xấu tới môi trường và sức khỏe con người.
Chúng tôi trở lại thăm xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) vào những ngày đầu tháng 7. Thời điểm này hầu hết người dân đã hoàn thành gieo cấy vụ mùa, lúa đang bắt đầu bén rễ và phát triển cũng là lúc người dân phun thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Do đó, không khó để bắt gặp hình ảnh những người nông dân phun thuốc giữa các cánh đồng. Chúng tôi gặp ông Vừ A Sao (bản Gia Khâu 2) đang phun thuốc cho lúa, ông chia sẻ: Lúa của gia đình tôi đang có hiện tượng bệnh đạo ôn nên tôi mua thuốc về phun. Từ trước tới nay, khi cây trồng như lúa, ngô, rau màu… có hiện tượng sâu bệnh chúng tôi chỉ biết mua thuốc BVTV về phun để đảm bảo năng suất. Tôi cũng biết thuốc BVTV có hại cho sức khỏe con người và môi trường xung quanh nhưng không còn sự lựa chọn nào khác.
Không chỉ có cây lúa, mà còn rau màu, cây chè cũng được bà con sử dụng thuốc BVTV coi như là “bí quyết” giúp cây trồng của gia đình xanh tốt và không bị sâu phá hoại. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây trên địa bàn xã Sùng Phài phát triển và mở rộng diện tích trồng hoa hồng góp phần tăng thêm thu nhập của bà con địa phương. Trong khi đó, để có những bông hoa đẹp, người nông dân phải áp dụng rất nhiều biện pháp kỹ thuật và phần lớn đều phụ thuộc các loại thuốc kích thích, thuốc BVTV. Có mặt tại cánh đồng hoa ở các bản vào sáng sớm hoặc chiều muộn, có thể bắt gặp cảnh công nhân phun thuốc trắng xóa, bao phủ hết các ruộng hoa và kéo dài cả tiếng đồng hồ. Sau mỗi đợt phun, thuốc đọng trắng trên các phiến lá. Do lượng thuốc lớn nên ảnh hưởng đến những vùng xung quanh. Bà Lý Thị Chè (ở bản bản Lùng Thàng) cho hay: Mỗi lần chúng tôi đi qua ruộng hoa đúng lúc họ đang phun thuốc cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
Song song với phát triển kinh tế thì tình trạng ô nhiễm càng cao khi người nông dân lạm dụng thuốc BTVT nhằm đảm bảo năng suất cây trồng, vật nuôi. Anh Lò Văn Phung (bản Nậm Loỏng 3, phường Quyết Thắng) có hơn 2.000m2 ao cá ngay cánh đồng thuộc bản Gia Khâu 2. Anh Phung cho biết: Tôi nuôi cá gần chục năm nay, nước chủ yếu lấy từ đầu nguồn thuộc xã Sùng Phài, mỗi năm cho thu hoạch hơn 3 tấn cá. 3 năm trở lại đây khi một số người dân từ địa phương khác về thuê đất của xã Sùng Phài trồng hoa phía trên đầu nguồn thì sản lượng cá giảm hẳn, có lúc cá chết không có nguyên nhân. Ra kiểm tra nước thì thấy có mùi hôi của thuốc trừ sâu.
Cách nhà anh Lò Văn Phung không xa chúng tôi tới nhà anh Lý Văn Kiếm (Nậm Loỏng 3, phường Quyết Thắng) là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của phường. Anh có kinh nghiệm nuôi cá hơn 20 năm nay nên có đủ kiến thức cơ bản liên quan đến việc nuôi trồng thủy sản. Anh Kiếm chia sẻ: Cá có phát triển hay không thì điều quan trọng phải có môi trường nước sạch. Tuy nhiên, những năm gần đây bà con lạm dụng thuốc BVTV quá nhiều nên ảnh hưởng đến nguồn nước nghiêm trọng. Tôi phải xây thêm một bể lọc nước trước khi nước vào ao. Nếu thấy cá ở bể lọc bị chết, tôi phải ngăn nước không chảy vào ao. Vào những thời điểm nắng kéo dài bất chợt có cơn mưa lớn tràn về thì dòng nước mang theo lượng thuốc tồn dư trôi xuống ao sực mùi khó chịu, nên ảnh hưởng đến cá trong ao. Tôi rất mong chính quyền địa phương có biện pháp phù hợp để đảm bảo có nguồn nước sạch phục vụ phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với việc lạm dụng thuốc, phun thuốc không đúng liều lượng, chủng loại cũng phản tác dụng thì tình trạng bà con vứt bao bì sản phẩm ngay bên bờ suối vẫn còn diễn ra khá phổ biến dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Ngoài ra, hầu hết nông dân khi phun thuốc còn xem nhẹ việc bảo hộ lao động, phổ biến nhất là không sử dụng kính, găng tay, ủng hoặc phun thuốc vào thời điểm nắng nóng gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Trao đổi với chúng tôi, anh Giàng A Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp muốn trừ cỏ, diệt sâu bệnh, hầu hết người nông dân đều dùng thuốc BVTV. Chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền và nhắc nhở bà con sử dụng đúng liều lượng, chủng loại vừa đảm bảo hiệu quả vừa tránh tác hại của thuốc BVTV. Tuy nhiên, bà con vẫn sử dụng theo cảm tính và kinh nghiệm nên nhiều lúc quá liều gây tồn dư trong sản phẩm. Ngoài ra, sau khi phun thuốc bà con vẫn còn vứt bao bì ngay chỗ lấy nước gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi vẫn thường xuyên đi kiểm ra, vận động bà con nhưng người làm người không, trong khi chưa có chế tài cụ thể để xử phạt những trường hợp này. Chỉ khi bắt tận tay may ra mới hiệu quả.
Anh Chỉnh nhấn mạnh và khuyến cáo thêm: Nếu như người dân lạm dụng thuốc BVTV lâu dài sẽ đem lại nhiều hệ lụy xấu, tiêu cực. Hầu hết, thuốc BVTV đều gây độc hại cho con người và gia súc, làm ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích. Đặc biệt, bà con dùng thuốc không đúng kỹ thuật, liều lượng sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh. Từ đó, phun thuốc sẽ không đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, dùng quá liều thuốc BVTV còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản. Vì vậy, bà con nên sử dụng thuốc BVTV khi thực sự cần thiết và phải đúng liều lượng theo chỉ dẫn.
Việc lạm dụng thuốc BVTV cùng thói quen vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng, khe suối, kênh mương không được thu gom, xử lý khiến cho các chất hóa học hòa lẫn vào đất, nước gây ô nhiễm môi trường. Do đó, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn nữa đến việc tuyên truyền cũng như mỗi người dân cần nâng cao ý thức về vấn đề này.