Vướng chuyện Mỹ tăng quân, Australia-Trung Quốc sẽ thêm nóng?
Sau khi thảo luận về hiện diện quân sự của Mỹ tại lãnh thổ phía Bắc, có lẽ Canberra nên sẵn sàng cho nốt trầm mới trong quan hệ Australia-Trung Quốc.
Theo báo The Australian, Mỹ mong muốn có thể tích trữ các trang thiết bị quốc phòng, đạn dược, thậm chí là tiến hành sản xuất tên lửa đạn đạo do Mỹ thiết kế tại khu vực Top End này.
Quyền Đại sứ Mỹ tại Australia Mike Goldman nhận định sự liên kết chặt chẽ này là “hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh địa chiến lược mới” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Goldman, Mỹ muốn tiến xa hơn trong kế hoạch chung với Australia nhằm thiết lập một căn cứ thủy quân mới tại Papua New Guinea. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mọi thay đổi trong lập trường của Washington chỉ được thực hiện với sự đồng ý và hợp tác của Canberra.
Trong khi đó, Tiến sỹ John Coyne của Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng chính quyền Mỹ của ông Joe Biden muốn tăng hiện diện quân sự tại Bắc Australia.
Sau đối thoại Mỹ-Australia năm 2020, kho dự trữ dầu Diesel tại đây đã tăng lên 200 triệu USD. Washington hướng tới gấp đôi số lượng lính thủy quân lục chiến triển khai tại Darwin, từ 2.500 lên 5.000 người.
Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews thì tin rằng hợp tác quốc phòng Mỹ-Australia chặt chẽ cho thấy “chúng ta luôn cảnh giác và làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho mọi tình huống”.
Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ đảng Xanh của Australia, ông Adam Bandt lại hoài nghi về sự hiện diện quân sự ngày một lớn của Mỹ tại miền Bắc Australia. Theo đó, nếu Canberra tiếp tục chiều theo ý Washington, nước này có khả năng dính vào một cuộc chiến quyết liệt với Trung Quốc.
Tương tự, Tiến sỹ Coyne cho rằng động thái của Washington và Canberra có thể chọc giận Bắc Kinh, khiến căng thẳng Australia-Trung Quốc thời gian qua thêm nóng.
Ông nhận định: “Australia nên chuẩn bị đối mặt với các chỉ trích từ truyền thông nhà nước hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc”.
Đáng ngại hơn, diễn biến mới này có thể khiến căng thẳng Australia-Trung Quốc thêm nóng.
“Australia nên chuẩn bị đối mặt với các chỉ trích từ truyền thông nhà nước hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc”. (Tiến sỹ John Coyne)
Quan hệ song phương đã suy giảm từ năm 2018, sau khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên cấm tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tham gia phát triển mạng viễn thông 5G.
Thủ tướng Scott Morrison cũng đi đầu khi kêu gọi tiến hành điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19 từ Trung Quốc.
Kể từ đó tới nay, Trung Quốc đã áp thuế quan, gây khó khăn cho xuất khẩu nhiều mặt hàng Australia sang thị trường quốc gia châu Á, trong đó có rượu vang, tôm hùm, lúa mạch, gỗ và than đá. Mọi nỗ lực kêu gọi đối thoại từ quan chức cấp cao của Canberra đều không nhận được hồi âm.
Mới đây, sau hai năm bị bắt giam, ngày 27/5, học giả người Australia gốc Hoa Yang Jun sẽ hầu tòa tại Trung Quốc vì các cáo buộc gián điệp. Trong thông cáo ngày 21/5, Ngoại trưởng Marise Payne cho biết bất chấp việc giới chức Australia nhiều lần yêu cầu, phía Trung Quốc không đưa ra bất cứ giải thích hay bằng chứng nào cho cáo buộc mà học giả gốc Hoa phải đối mặt.
Đáng ngại hơn, quan hệ song phương chưa có dấu hiệu cải thiện. Vừa qua, chính phủ liên bang Australia đã hủy thỏa thuận hợp tác Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của bang Victoria với Trung Quốc do không phù hợp lợi ích quốc gia theo đạo luật quan hệ đối ngoại ban hành cuối năm 2020.
Đáp lại, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã đình chỉ vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế chiến lược Trung Quốc – Australia (SED), vì có sự “phân biệt đối xử về ý thức hệ”.
Hiện Bộ Quốc phòng Australia đang xem xét lại hợp đồng cho công ty Landbridge (Trung Quốc) thuê cảng Darwin ở Bắc Australia trong 99 năm. Nếu thành hiện thực, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ “hồi âm” mạnh với Canberra, khiến quan hệ song phương tiếp tục chìm sâu trong căng thẳng.
(theo 9news.com.au)