Vùng biên Long An khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Các vùng quê trước đây khó khăn mọi bề, nay đã 'thay da đổi thịt', trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng vùng biên giới vững mạnh của tỉnh Long An.

Đổi thay ở huyện biên giới

Đến với huyện biên giới Vĩnh Hưng, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi diện mạo một đô thị vùng biên đã thay đổi hoàn toàn so với 10 năm trước. Diện mạo huyện biên giới khởi sắc và đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Trong ngôi nhà mới khang trang, ông Hồ Sỹ Đạt, ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng rất phấn khởi khi kể về sự đổi thay đáng mừng của gia đình, chòm xóm, quê hương mình.

Theo ông Đạt, bà con địa phương vẫn mưu sinh chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó lúa vẫn là cây chủ lực. Song từ khi xây dựng nông thôn mới, được hướng dẫn thêm kiến thức, hỗ trợ vốn... nông dân Vĩnh Hưng đã chuyển đổi dần từ canh tác thủ công, chủ yếu bằng sức người sang sử dụng nhiều loại máy móc hiện đại, thiết bị bay phun thuốc nông nghiệp, hiệu quả sản xuất được nâng lên đáng kể.

Ông Đạt rất phấn khởi khi nhà nước và nhân dân cùng góp công góp của xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống: "Hưởng lợi nhiều nhất là đến nay đã có đường nhựa, ít nhất cũng phải đường sỏi đá đỏ để ra ruộng rất là thuận lợi trong sản xuất thu hoạch. Tiến lên công nghệ mới hiện đại, cơ giới hóa, canh tác hết sức thuận lợi. Mới đây nhất là đưa thiết bị bay phục vụ phun xịt thuốc cho cánh đồng nên sản xuất của bà con luôn đạt yêu cầu".

Đến nay, gần 90% đường liên xã trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, láng nhựa, bê tông hóa, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; hơn 80% đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa; trên 95% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Các công trình thủy lợi, chợ trung tâm xã, trường học, nhà văn hóa,... được xây dựng kiên cố, bảo đảm phục vụ giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt, toàn huyện có 92% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; 9/9 xã có hệ thống thủy lợi bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ.

Bà con vùng biên giới khu vực Đồng tháp Mười, tỉnh Long An cơ giới hóa trong canh tác nhờ hoạt động sản xuất thuận lợi, hiệu quả hơn trước.

Bà con vùng biên giới khu vực Đồng tháp Mười, tỉnh Long An cơ giới hóa trong canh tác nhờ hoạt động sản xuất thuận lợi, hiệu quả hơn trước.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện nhận được sự đồng thuận từ người dân, phát huy được thế mạnh của địa phương trong phát triển sản xuất gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, địa phương quan tâm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; chọn đầu tư những cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng giảm giá thành, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao.

Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập người dân đạt 51 triệu đồng/người vào năm 2021, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2018, hộ nghèo còn khoảng 3%... Vĩnh Hưng là địa phương có đường biên giới dài hơn hơn 45km, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng đô thị được đầu tư gắn với nhiệm vụ khơi thông sự phát triển kinh tế biên mậu trong tương lai.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm: "Xác định xây dựng đô thị biên giới phát triển kinh tế biên mậu là vấn đề then chốt để đột phá. Trong đó chúng tôi đang nỗ lực khơi thông biên giới để tạo sự phát triển biên mậu, tạo sự phát triển thương mại, du lịch ở biên giới... Hiện nay, thị trấn Vĩnh Hưng đã đạt tiêu chí đô thị loại 4. Sắp tới cũng sẽ được đầu tư thêm hạ tầng để đạt đô thị loại 3".

Nông thôn mới gắn với kinh tế biên mậu

Long An có 134km đường biên giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Vương quốc Campuchia), đi qua 20 xã của 6 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và Kiến Tường. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới huy động mọi nguồn lực triển khai khá hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp ở huyện biên giới Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Dọc tuyến biên giới, thị xã Kiến Tường là trung tâm kinh tế của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An, với 17.450 ha đất sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Kiến Tường xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao là giải pháp then chốt để nâng giá trị hàng nông sản.

Qua 10 năm thực hiện, giá trị sản xuất nông nghiệp ở Kiến Tường đạt hơn 1.401 tỷ đồng, tăng hơn 324 tỷ đồng so với năm 2013, chiếm 35,1% giá trị sản xuất toàn thị xã. Thị xã đã hình thành được vùng lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 4.000 ha, lợi nhuận bình quân đạt trên 27,1 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt gần 60 triệu đồng/người/năm tăng gấp 3 lần so với 2011. Kiến Tường đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Với những tiềm năng lợi thế từ Cửa khẩu Quốc tế và Khu Kinh tế Bình Hiệp, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thị xã Kiến Tường đang tập trung nỗ lực cải thiện tốt hơn về hạ tầng giao thông, khai thác tốt tiềm năng để thu hút nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho biết: "Kiến Tường là một trong địa phương thuộc khu kinh tế cửa khẩu Long An. Hiện nay cũng đã kêu gọi được 2 doanh nghiệp lớn qua đó giải quyết hơn 2.000 lao động. Qua đó cũng tạo được việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Sắp tới chúng tôi cũng tập trung cố gắng phát triển kinh tế cửa khẩu, từ đó kéo theo những dịch vụ khác, như những sản phẩm OCOP và thương mại biên giới...?

Mục tiêu của Long An là đến cuối năm 2025 có 10 huyện, thị xã, thành phố; có 142/161 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đề ra, Long An đang tập trung nhiều giải pháp để tăng tốc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động tại vùng biên gần khu vực cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp.

Đối với vùng biên giới, ngoài các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu thập trong từng nông hộ, thì Chương trình xây dựng nông thôn mới nỗ lực đưa đời sống người dân nông thôn sát với thành thị bằng việc phát triển thêm nhiều khu cụm kinh tế, cải thiện hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng.

Theo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Long An trong đó có vùng biên giới đã khang trang, sạch đẹp. Thu nhập bình quân đầu người vùng biên đạt trung bình từ 55 đến 65 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,82%. Điều đó thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm của nhân dân cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, xã hội, ổn định tình hình trên tuyến biên giới Tây Nam./.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vung-bien-long-an-khoi-sac-tu-xay-dung-nong-thon-moi-post946894.vov