Vựa heo miền Trung tái đàn chắc ăn, không nhắm mắt làm liều

Khôi phục đàn heo sau dịch tả lợn châu Phi, vựa heo lớn nhất miền Trung đẩy mạnh tái đàn nhưng không 'nhắm mắt làm liều', mà tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học.

Những cơ sở chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học được ngành chức năng huyện Hoài Ân động viên tái đàn mạnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vùng nuôi an toàn giữa rốn dịch

Trong thời gian dịch tả lợn châu Phi hoành hành khắp các vùng chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung với tổng đàn heo trên 300.000 con cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, có 1 vùng chăn nuôi với hơn 100 hộ nuôi heo ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) vẫn “bình chân như vại” giữa bão dịch, nhờ áp dụng biện pháp “cách ly” đàn heo của mình với bên ngoài.

Anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi) ở xã Ân Đức, người thường xuyên nuôi trong chuồng từ 80 – 100 con heo thịt và 12 heo nái sinh sản từ năm ngoái đến nay có heo xuất bán đều đặn, chưa 1 lần nếm trải thất bại do dịch tả lợn châu Phi.

Nói về giải pháp chăn nuôi của mình, anh Bình bộc bạch: “Tôi chưa có điều kiện xây dựng hệ thống chuồng kín để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn heo, nên phải làm cách khác. Chuồng nuôi thì tôi giăng kín mùng lưới để ngăn chặn ruồi muỗi mang mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào đàn heo trong chuồng.

Chuồng trại thì tôi tiêu độc sát trùng thường xuyên. Cẩn trọng nhất là khâu xuất bán heo, bởi thương lái đi mua heo khắp nơi, tiếp cận nhiều chuồng heo đã bị dịch bệnh nên họ là nguồn lây nhiễm đáng ngại nhất”.

Đàn nái sinh sản là “cứu cánh” trong việc tái đàn heo của anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo anh Bình, trong thời gian dịch tả lợn châu Phi hoành hành, khi xuất heo bán cho thương lái, việc đầu tiên anh làm là mua xăng về đốt để sát trùng tất cả các lồng heo thương lái mang đến. Cả thương lái cũng phải được phun thuốc khử trùng, thậm chí anh mua cả dép mới về cho thương lái mang trong quá trình giao dịch mua bán.

Đã vậy, thương lái tuyệt đối không được tiếp cận chuồng nuôi, heo được chủ nuôi lùa ra 1 vùng đất trống cách xa chuồng nuôi và được cân bán tại đó.

“Cả xóm này có hơn 100 hộ nuôi heo, ai cũng áp dụng những biện pháp nói trên, nên dù dịch tả lợn châu Phi bùng phát khắp nơi nhưng ở đây không hộ nào dính dịch, nên khi heo tăng giá hộ nuôi nào cũng trúng to”, anh Bình chia sẻ.

Thiếu hụt heo giống tái đàn

Theo thống kê của UBND huyện Hoài Ân, hiện ở địa phương này có 4 trang trại chăn nuôi heo công nghiệp công nghệ cao, 62 trang trại chăn nuôi heo có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ.

Đặc biệt, từ các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hoài Ân đều có nuôi heo nái sinh sản để chủ động nguồn heo giống. Đây là lợi thế lớn khi người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn trong bối cảnh heo giống đắt tựa vàng như hiện nay.

Đơn cử trường hợp của anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức, với 12 con heo nái sinh sản, chúng có thể cung cấp heo giống để anh thường xuyên duy trì đàn heo thịt trong chuồng từ 80 – 100 con mà không cần phải mua heo giống từ bên ngoài.

Hiện nay huyện Hoài Ân vẫn đẩy mạnh việc tái đàn heo nhưng rất khan hiếm heo giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Từ đầu năm đến nay tôi xuất chuồng bán nhiều lứa heo, tổng cộng hơn 100 con heo thịt. Tuy nhiên, chuồng nuôi của tôi không bao giờ bị trống, bởi 12 con heo nái hết con này đẻ đến con khác thay phiên nhau đẻ. 1 con heo nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 10 heo con, như vậy 1 con heo nái mỗi năm cho tôi 20 heo con.

Vị chi 12 con heo nái mỗi năm đẻ được 220 heo con, dư sức để tôi luân phiên tái đàn. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tôi xuất chuồng bán lứa nào là có heo giống tái đàn bù vào đến đó, nên trong chuồng nhà tôi luôn có từ 80 – 100 con heo thịt với nhiều lứa tuổi”, anh Bình chia sẻ.

Heo giống từ heo nái nền Móng Cái và đực lai có màu đen tuyền hiện đang được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hiện trên địa bàn có 4 cơ sở chuyên sản xuất, cung ứng heo giống chất lượng cao với sản lượng 4.500 – 5.000 con/tháng. Ngoài ra trong dân tự chọn lựa heo lai F1, F2 hoặc nuôi heo nái giống Móng Cái làm nái nền, phối với đực lai ngoại để cho ra những con giống lai Móng Cái có màu đen tuyền, loại này cho thịt rất ngon, được thị trường ưa chuộng, mua giá cao ngang heo siêu nạc”, ông Vương cho hay.

Cũng theo anh Bình, người nuôi heo chủ động được nguồn heo giống lợi đủ bề. Ví như tại thời điểm hiện nay, heo giống ở Hoài Ân có giá từ 2,7 – 3,2 triệu đồng/1 con có trọng lượng 10kg/con. Nếu hộ nuôi nào không có heo nái sinh sản giờ muốn tái đàn cũng không có điều kiện.

“Cứ cho 1 con heo giống có giá bình quân 3 triệu đồng, giờ muốn tái đàn 100 con phải mất ít nhất 300 triệu đồng tiền mua con giống.

Thậm chí nếu ai có tiền cũng khó mà mua cho ra heo giống để tái đàn, đó là chưa nói đến chuyện đưa heo giống từ ngoài về nuôi thì rủi ro về dịch bệnh rất cao, nhiều khi mình vô tình rước dịch bệnh về nhà”, anh Bình phân tích.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, dịch tả lợn châu Phi hoành hành thời gian dài trên địa bàn đã tiêu diệt hơn 1 nửa đàn heo giống ở đây.

Nếu như vào năm 2016 Hoài Ân có đàn nái sinh sản đến 55.000 con thì hiện chỉ còn 18.600 con, tập trung ở 4 trang trại nuôi heo công nghệ cao và 62 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn.

Nếu như cả 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ còn lại trên địa bàn đồng loạt tái đàn thì số heo nái nói trên không đủ cung cấp con giống.

Kiểm soát chặt việc tái đàn

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân, để thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định về việc triển khai hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn, trước tiên huyện này tổ chức điều tra, thống kê lại các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi heo trên địa bàn sau thời gian bị dịch bệnh.

Thứ đến, UBND huyện thành lập các tổ công tác đi thẩm định lại điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh của từng cơ sở, nếu cơ sở nào chưa đáp ứng được thì hướng dẫn khắc phục những khiếm khuyết. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì hướng dẫn họ dùng lưới màn để che chắn ngăn ngừa ruồi muỗi, tiêu độc sát trùng chuồng trại.

Heo giống ở Hoài Ânhiện có giá rất cao, từ 2,7 - 3,2 triệu đồng/con (10kg). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Qua công tác kiểm tra, rà soát, nếu cơ sở nào đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học thì chúng tôi cho phát triển ngay, cơ sở nào chưa đạt phải khắc phục rồi mới được tái đàn. Chúng tôi đang đẩy mạnh tái đàn heo, nhưng không chấp nhận người dân làm theo kiểu bất chấp mà phải đảm bảo an toàn.

Thực tế cho thấy, heo giống đang có giá quá cao, muốn tái đàn phải đầu tư vốn lớn, nên nhiều hộ dân vẫn còn lo ngại dịch bệnh tấn công nên chưa dám tái đàn”, ông Khúc chia sẻ.

Nhiều hộ nuôi heo ở Hoài Ân (Bình Định) dù chuồng còn trống nhưng không có tiền mua con giống nên cứ đành để trống chuồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Khúc, hiện tổng đàn heo trên địa bàn Hoài Ân có 203.260 con; tăng 50% so đầu năm 2020. Trong đó, có 141.500 con heo thịt, 18.600 con heo nái sinh sản, 60 con đực giống và 43.100 heo con theo mẹ.

Đặc biệt, hiện đàn heo con có trọng lượng từ 10 – 20kg/con đang tăng mạnh, đàn heo thịt từ 30 – 90kg/con thì giảm mạnh, điều đó cho thấy người dân ở đây đang dồn tổng lực tái đàn heo.

“Hiện tốc độ tái đàn heo ở Hoài Ân tăng từ 1,9 – 2,4%/tháng. Các cơ sở có năng lực tài chính trên địa bàn đang nhập mạnh heo nái sinh sản và heo đực giống về để lai tạo, nhằm cải thiện chất lượng đàn heo của địa phương. Dự kiến đến cuối năm 2020, Hoài Ân sẽ tăng tổng đàn heo trên địa bàn lên 240.000 con, tăng đàn heo nái sinh sản lên 35.000 con.

Chúng tôi sẽ chú trọng phát triển đàn heo nái sinh sản để lượng heo giống sản xuất ra đạt 700.000 heo giống/năm để đủ đáp ứng phục vụ phát triển chăn nuôi heo như trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân.

Đình Thung - Lê Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vua-heo-mien-trung-tai-dan-chac-an-khong-nham-mat-lam-lieu-d264984.html