Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan tạo lập cả nghìn doanh nghiệp trong quá trình phạm tội

Dưới tay bà chủ Vạn Thịnh Phát là 1.000 doanh nghiệp được chia thành 4 nhóm, từ các công ty 'ma' không hoạt động cho đến những đơn vị có vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó Ngân hàng SCB là trung tâm. Trương Mỹ Lan còn lập doanh nghiệp ở các 'thiên đường thuế' để đứng tên hoặc quản lý tài sản.

Tại Bản cáo trạng truy tố 86 bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, Viện KSND Tối cao xác định, Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hành vi của bị can này đã phạm vào các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.

Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng, do Trương Huệ Vân (cháu Trương Mỹ Lan) làm đại diện theo pháp luật. Tập đoàn này chỉ có 4 cổ đông là Trương Mỹ Lan cùng 2 con gái Chu Duyệt Hằng, Chu Duyệt Phấn và Công ty Emelanld (cũng do Lan làm Chủ tịch).

Trụ sở chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan.

Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát có tới hơn 1.000 doanh nghiệp khác nhau, do hàng trăm người được Trương Mỹ Lan cùng một số bị can liên quan nhờ hoặc thuê đứng tên làm đại diện và được chia thành 4 nhóm khác nhau.

Nhóm đầu tiên là nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty Việt Vĩnh Phú. Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng và là nơi cấp vốn cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Nhóm thứ hai là các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản… Đây là những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn, như Công ty Peninsula có vốn 18.000 tỷ đồng, Công ty An Đông 9.000 tỷ đồng…

Các công ty “ma” tại Việt Nam là nhóm thứ ba. Các doanh nghiệp này được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác thi công…

Nhóm thứ tư là mạng lưới các doanh nghiệp ở nước ngoài. Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới các “công ty vỏ bọc” tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” để phục vụ đầu tư. Chúng cũng được sử dụng với danh nghĩa “Nhà đầu tư nước ngoài” để đứng tên cổ phần hoặc quản lý tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan.

Để lợi dụng bốn nhóm doanh nghiệp trên rút tiền từ ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan thâu tóm ngân hàng này, bố trí người thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt và thậm chí có người được bổ nhiệm chỉ vì “ít quậy phá, không mất lòng ai”. Song song, một số tổ đơn vị chuyên trách về cho vay trong SCB được thành lập nhưng chỉ “giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan”, cáo trạng thể hiện.

Trương Mỹ Lan sau đó dùng các công ty "ma" lập hồ sơ vay vốn, thông đồng với thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo khoản vay và qua đây rút tiền của SCB. Nếu tổ chức tín dụng phát sinh nợ xấu, Trương Mỹ Lan sẽ bán nợ xấu hoặc các khoản tín dụng trả chậm để giảm dự nợ, che giấu sai phạm. Khi các đoàn kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, Trương Mỹ hối lộ để được bao che.

Viện kiểm sát xác định, giai đoạn 2012 - 2017, Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút tiền trái phép khỏi SCB bằng 368 hồ sơ, hiện còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Giai đoạn 2018 - 2022, Lan lập khống gần 1.000 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng. Đây là các sai phạm trong giai đoạn 1 vụ án.

Tháng 11 vừa qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố hơn 70 bị can để điều tra các sai phạm trong giai đoạn 2 tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan...

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-van-thinh-phat-truong-my-lan-tao-lap-ca-nghin-doanh-nghiep-trong-qua-trinh-pham-toi-post561364.antd