Vụ phát hiện sán trong bữa ăn công nhân: Mẫu cá không còn, không thể xử lý
Sáng nay (18/6), Ban quản lý ATTP TP. Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Công tyTNHH An Thạnh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) liên quan đến vụ việc phát hiện sán trong tô bún cá của công nhân Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu).
Công ty An Thạnh cho hay ngày 13/6, công ty cung ứng món bún cá cam cho Công ty Việt Hoa. Thức ăn được sơ chế, nấu chín tại công ty sau đó đưa sang Công ty Việt Hoa phục vụ công nhân. “Trong quá trình chia suất không phát hiện bất thường. Đến khoảng 10h30, khi phục vụ khoảng 200 suất ăn sớm, có 3 nhân viên phản ánh với công ty trong lát cá con sán. Mình trực tiếp kiểm tra xác nhận có sán nằm trong phần thịt cá”, đại diện công ty thông tin.
Vị này cũng cho biết thêm số lượng suất ăn hôm đó là 1050 suất nhưng mới ra gần 900 suất. Qua kiểm tra thì thấy khoảng 10 tô trong thịt cá có sán. Trước tình hình này, công ty hủy toàn bộ thức ăn hôm đó và tạm dừng phục vụ món cá cam, thay bằng cơm và bún chả cá cho bữa trưa. Đến chiều cùng ngày, công ty đã họp với công ty Việt Hoa để làm rõ hơn vụ việc.
Mặc dù nhân viên công ty “trực tiếp kiểm tra xác nhận có sán trong phần thịt cá”, nhưng ông Châu Quang Anh, Giám đốc công ty vẫn vòng vo: “Họ nói là sán thì mình cũng nói sán, thấy giống giống thì nói chứ không phân biệt có đúng sán không. Nhưng nhiều khả năng là sán”.
Khi được BQL hỏi về việc lưu mẫu, Công ty An Thạnh nói chỉ lưu lạnh bình thường, không lưu đông nên sau đó mẫu cá hôi thối nên đã vứt. “Thực ra không biết sự việc như thế này nên không bảo quản đông”, ông Anh tiếp lời. Ông nói thêm trước giờ không ai huấn luyện về việc xem xét mẫu nghi vấn, khi học về ATVSTP cũng không được dạy nên không biết.
Riêng về lô cá cam phục vụ bữa ăn ngày 13/6, Công ty An Thạnh cho hay nhập từ một công ty ở Hải Phòng lấy nguồn cá từ Hàn Quốc, và đã ăn hết nên không còn mẫu cho đoàn kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Tứ, Phó BQL ATTP TP. Đà Nẵng, trong trường hợp có dấu hiệu thực phẩm bất thường phải có động tác kiểm soát, điều tra, đánh giá và đưa ra biện pháp. Cụ thể trong trường hợp này phải lưu mẫu ở nhiệt độ âm để đưa đi kiểm tra ký sinh trùng, từ đó có cơ sở khoa học để khẳng định có ký sinh trùng hay không. Nếu phát hiện chính xác ký sinh trùng thì báo cho các cơ quan chức năng, đơn vụ cung cấp để tiếp tục xử lý.
“Chứng cứ không còn, không có bằng chứng để khẳng định cá cam có bị sán hay không, đề nghị công ty rút bài học kinh nghiệm”, ông nói. Phó BQL lưu ý công ty phải yêu cầu nhà cung cấp khi cung ứng phải có phiếu kiểm nghiệm định kỳ. Khi hàng về phải lấy mẫu gửi đi kiểm tra lại. Đồng thời cung cấp thông tin kết quả kiểm nghệm cho BQL.
Ông Tứ nói thêm, trong trường hợp này, mẫu cá nghi nhiễm sán đã nấu chín nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên về mặt ATTP thì không được phép tồn tại ký sinh trùng trong thực phẩm. Quá trình tập huấn cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã giúp họ nhận diện các mối nguy và cách xử lý. Nếu vụ việc này dẫn đến ngộ độc thì sẽ xem xét ở góc độ ngộ độc, đơn vị không còn mẫu sẽ xử lý theo quy định.
Trước đó, trưa 13/6, ba công nhân của công ty Việt Hoa phản ánh trong tô bún cá cam có sán. Sau khi tiếp nhận phản hồi, công ty An Thạnh đã kiểm tra toàn bộ 900 suất bún đã chia suất, phát hiện khoảng 10 lát cá có sán trong phần thịt cá.