Vụ khiếu nại vì con trượt môn Âm nhạc: 'Con tôi nói sợ hãi khi đến tiết học'
Không chỉ phản ánh về cách dạy học, phụ huynh còn bày tỏ sự bức xúc về thái độ của cô giáo thiếu sự tôn trọng với chính trường học và các bậc phụ huynh.
Bất chấp thời tiết nắng nóng, những ngày qua, nhiều phụ huynh đã tập trung tại Trường tiểu học Cù Chính Lan (ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) để chờ giải quyết khiếu nại liên quan tới cách giảng dạy và đánh giá học sinh của cô N.Đ.T.B.T giáo viên môn Âm nhạc nhà trường. Được biết, cô N.Đ.T.B.T là giáo viên Âm nhạc duy nhất của Trường tiểu học Cù Chính Lan.
Phụ huynh nói học sinh sợ khi học môn Âm nhạc
Bức xúc, xót xa, nóng lòng chờ kết quả,... là những cảm xúc đan xen của những bậc phụ huynh trong thời gian chờ đợi kết luận của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị T. có con đang theo học tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan cho biết, con trai của chị bị chứng rối loạn giảm chú ý. Vào đầu năm học, chị đã thông tin tình trạng của con trai cho thầy cô giáo ở trường.
“Toàn trường đều biết về trường hợp của con tôi, không chỉ riêng cô giáo chủ nhiệm, kể cả các giáo viên không trực tiếp giảng dạy cũng đều biết. Mặc dù vậy, con vẫn rất cố gắng trong học tập. Kết quả môn Toán con được 10 điểm, Tiếng Việt 8 điểm.
Với môn Âm nhạc, con hát được cơ bản, tất nhiên không thể đạt được những yêu cầu cao về chuyên môn như cô giáo đề ra, tuy nhiên con vẫn học thuộc lời bài hát đầy đủ, nhưng cô vẫn không ghi nhận sự cố gắng của con. Cả lớp chỉ có con của tôi không đạt môn Âm nhạc”, vị phụ huynh ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng có con đang theo học lớp 1 tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan, một vị phụ huynh cho phóng viên biết: “Tôi có cả con và các cháu họ hàng đều đang học tại đây, và cũng bị trượt môn Âm nhạc”. Chị chạnh lòng khi nhớ lại lời kể của con: “Nó chạy theo cô giáo để hỏi “Giấy khen của con đâu cô?”, vì các môn con đều được điểm 9, 10 nên nghĩ rằng sẽ được nhận giấy khen xuất sắc”.
Một vị từng có con theo học tại trường giờ đã chuyển cấp cũng phản ánh đến phóng viên bức xúc về cô giáo dạy Nhạc. Theo chị, Âm nhạc là môn năng khiếu, vì vậy sẽ có học sinh có thiên phú, học tốt, và cũng sẽ có những em không có năng khiếu. Do vậy, là cô giáo, cần phải dìu dắt và giúp đỡ, khuyến khích sự cố gắng của các con, thay vì gây áp lực lên học sinh.
Các bậc phụ huynh cũng đặt ra câu hỏi về hoạt động giảng dạy của cô giáo này: “Trong quá trình dạy, cô đã thực sự nghiêm túc giảng dạy hay chưa?”. Theo đó, phụ huynh cho biết, con từng phản ánh lại rằng cô giáo Âm nhạc chủ yếu mở ti vi lên cho các con coi, trong thời gian đó cô giáo lại làm những việc riêng khác như bấm điện thoại, đếm tiền,...
Chị H tiếp tục kể lại: “Kiểm tra môn Âm nhạc cô giáo không hề cho đề cương ôn tập, chúng tôi phải tập cho con về môn Âm nhạc tới tận 11, 12 giờ đêm. Tuy nhiên, theo lời kể của con giờ kiểm tra cô giáo chỉ gọi khoảng nửa lớp lên kiểm tra nhưng đều có đánh giá của cả lớp đầy đủ từ hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Cô giáo có phản hồi rằng cô chấm điểm trong quá trình học tập của các cháu. Tuy nhiên, với một số em có thể quá trình học có lúc chưa tập trung, nhưng có cố gắng phấn đấu để đạt kết quả cao ở bài kiểm tra cuối kỳ thì như thế nào?”
Vị phụ huynh còn bức xúc kể thêm, trong quá trình giảng dạy, con của họ có về kể lại cô còn có hành động, lời lẽ thiếu chuẩn mực như ném sách vở học sinh, bắt các con đứng ngoài cửa lớp, gõ đầu, nhéo tai khi các con không thuộc bài,...
Không chỉ phản ánh về cách dạy học, phụ huynh còn bày tỏ sự bức xúc về thái độ của cô giáo thiếu sự tôn trọng với chính trường học và các bậc phụ huynh.
Cụ thể, cô giáo đã có nhiều chia sẻ trên mạng xã hội (Zalo) thiếu chuẩn mực như chỉ trích phụ huynh, cho phụ huynh là loại này, loại kia.
Sự việc đã từng bị phản ảnh một lần vào năm 2017...
Trước ý kiến cho rằng các bậc phụ huynh chạy theo thành tích của con rồi gây áp lực cho giáo viên, không xem trọng môn âm nhạc, chị T. cho rằng như vậy là không đúng sự thật.
“Vì sao không phải 1 hoặc 2 phụ huynh? Mà nhiều phụ huynh bức xúc? Âm nhạc là môn học giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học nhưng tại sao các con lại kể là sợ học.
Chúng tôi không ý kiến về môn chính hay môn phụ, mà vì cách hành xử của cô giáo với học sinh. Cô đang tạo quá nhiều áp lực cho con trẻ. Trong buổi đối chất hôm 29/5, có em học sinh chỉ nhìn vào mắt cô giáo thôi cũng run lên sợ hãi…”, chị T nói.
Được biết, ngày 26/5, ông Nguyễn Đình Thức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã ký quyết định kiểm tra công tác quản lý và công tác chuyên môn năm học 2022-2023 tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Trong đó, tiến hành việc thực hiện công tác thống kê, cập nhật số liệu trên dữ liệu SMAS (vở ghi môn Âm nhạc của học sinh). Thời gian kiểm tra 1,5 ngày, từ 13 giờ 30 ngày 29/5 đến hết 30/5/2023.
Trong buổi làm việc với Trường Tiểu học Cù Chính Lan và các bậc phụ huynh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku đã mời 7 giáo viên Âm nhạc khác của 4 trường tiểu học nằm trong cụm sinh hoạt chuyên môn số 6 để nắm bắt cụ thể tình hình dạy và học môn học này.
Theo thông tin phóng viên tìm hiều và được phụ huynh cho biết, trước đó, vào năm 2017, cô giáo dạy Nhạc này của Trường tiểu học Cù Chính Lan cũng từng bị các bậc phụ huynh phản ánh về cách giảng dạy và đánh giá học sinh của mình.
Hiện nay, việc kiểm tra và đánh giá, xếp loại học sinh được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Trong đó, Thông tư nêu rõ, yêu cầu “đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”.
Kết quả đánh giá cuối năm học được xếp loại theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Các phương pháp đánh giá đa dạng từ quan sát; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; phương pháp vấn đáp, kiểm tra viết.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 31/5, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku để tìm hiểu thêm kết quả làm việc của đoàn thanh tra. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku cho biết, đến 6 giờ chiều ngày 31/5, đoàn làm việc vẫn đang trong quá trình họp và đối chất tại trường.