Vũ điệu Mặt trời của dân tộc Buryat ở xứ sở Bạch Dương
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những điệu múa, điệu nhảy dân gian truyền thống đặc trưng, ẩn chứa quan niệm của dân tộc đó về cuộc sống và cái đẹp. Một trong số đó là Vũ điệu Mặt trời Yohor - điệu nhảy vòng tròn đặc trưng của dân tộc Buryat định cư ở vùng Siberia, nước Nga.
Siberia là một trong những vùng đất rộng lớn và có khí hậu khắc nghiệt nhất nước Nga. Nơi đây là nơi chung sống của đại diện các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau.
Đầu thế kỷ 17, phần lớn người dân Buryat là một bộ phận của đại dân tộc Mông Cổ. Đến giữa thế kỷ 17, vùng đất của người Buryat được sáp nhập vào Đế chế Nga.
Trải qua quá trình hợp nhất các bộ lạc kéo dài hơn 2 thế kỷ, đến cuối thế kỷ 19 nhóm dân tộc Buryat mới được hình thành.
Người Buryat chia thành hai nhóm: Nhóm định cư và nhóm du mục. Tuy là hai nhóm khác nhau, nhưng họ đều có chung một nền văn hóa duy nhất với các ngày lễ truyền thống chung.
Lịch sử và những nét đặc trưng thời kỳ đầu của điệu nhảy nổi tiếng này được biết đến thông qua những dấu tích văn hóa dân gian cổ xưa, những sử thi anh hùng và qua những ghi chép của các nhà thám hiểm, nghiên cứu dân tộc học người Nga hiện đại.
Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhà dân tộc học Matvey Khangalov mô tả: Yohor là điệu nhảy phổ biến và được yêu thích nhất của người Buryat ở tỉnh Irkursk.
Người dân tổ chức nhảy truyền thống tại các bữa tiệc, các lễ kỷ niệm và lễ hội dân gian với sự tham gia của cả nam và nữ mà không giới hạn về số lượng người.
Người dân nơi đây luôn tâm niệm, không có ngày lễ nào của người Buryat có thể diễn ra một cách trọn vẹn nếu thiếu vũ điệu vòng tròn Yohor truyền thống.
Vũ điệu Mặt trời
Theo quan niệm của dân tộc Buryat, Vũ điệu Yohor được chia thành ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: Những người tham gia nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn, hạ xuống, rồi từ từ di chuyển chung quanh “Mặt trời”, từ trái sang phải.
Không một ai được phép di chuyển theo chiều ngược lại, vì người Buryat quan niệm, chỉ có các linh hồn ma quỷ mới di chuyển ngược hướng Mặt trời. Vừa đi họ vừa hát những bài hát với những nội dung khác nhau, ca ngợi thiên nhiên, lao động và tình yêu.
Những người tham gia nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn, hạ xuống, rồi từ từ di chuyển chung quanh “Mặt trời”, từ trái sang phải.
Không một ai được phép di chuyển theo chiều ngược lại, vì người Buryat quan niệm, chỉ có các linh hồn ma quỷ mới di chuyển ngược hướng Mặt trời.
Giai đoạn thứ hai: Mọi người tiến lại gần nhau hơn, giơ nửa cánh tay lên và cùng vẫy nhẹ xuống, người hơi nghiêng về phía trước. Giọng hát lúc này chuyển sang nhịp nhanh và to hơn.
Giai đoạn thứ ba: Những người tham gia di chuyển sát nhau, khuỷu tay đan vào nhau và cùng nhảy lên. Nhịp hát chuyển sang nhanh dồn dập. Cứ như vậy, họ nhảy múa chung quanh "Mặt trời" cho đến khi họ cảm thấy mệt và chuyển sang di chuyển từ từ như ban đầu.
Hiện tượng văn hóa độc đáo
Yohor như một hiện tượng văn hóa độc đáo, một giá trị lâu bền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được các nhà khoa học, nhà biên đạo múa nghiên cứu qua nhiều năm.
Chung quanh nguồn gốc của tên gọi Yohor cũng có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đa số nhà nghiên cứu cho rằng, từ Yohor là sự kết hợp của hai từ từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ-Mông Cổ cổ đại là yorog-yorog gehe (nhảy) và yord-hord geldehe (nói đột ngột, gay gắt). Mỗi vùng miền khác nhau lại có những sắc thái riêng trong cách biểu diễn.
Yohor cổ đại là sự kết hợp giữa chất thơ và sự dẻo dai, giai điệu và nhịp điệu cơ thể. Người Buryat thực hiện các điệu nhảy vòng tròn xung quanh bất kỳ vật thể tự nhiên nào, đó có thể là ngọn lửa, gốc cây hay xung quanh ngọn núi. Những đồ vật này tượng trưng cho cây thế giới thần thoại.
Vũ điệu Yohor chủ yếu được thực hiện ở ngoài trời vào mùa xuân và mùa hè. Một vòng tròn được tạo ra xung quanh ngọn lửa được nhóm lên sau khi Mặt trời lặn. Nếu có đông người tham gia, có thể kết thành vòng tròn đôi, vui vẻ nhảy múa, cùng giao lưu bạn bè.
Những chàng trai gặp gỡ với những cô gái mà họ yêu thương và những cô gái có thể quan sát phong thái, cách cư xử của các chàng trai để quyết định đó có phải người chồng tương lai của mình hay không?
Ngày nay, Buryat là một trong năm dân tộc còn lại ở Siberia vẫn nhảy điệu vòng tròn Yohor trong các ngày lễ và nghệ thuật múa vòng tròn đang trải qua một giai đoạn hồi sinh mới.
Trong cuộc sống hiện đại, điệu nhảy không còn mang ý nghĩa tôn giáo cổ xưa, mà đã trở thành một phần của đời sống thường ngày, thể hiện tâm trạng vui vẻ của những người tham gia. Nội dung các bài hát cũng được làm mới, nhưng cách biểu diễn truyền thống thì không đổi.
Yohor xuất hiện ngày càng nhiều trong các tiết mục biểu diễn của các nhóm múa chuyên nghiệp, qua đó bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật múa dân gian này nói riêng, phát triển nền văn hóa dân tộc Nga đa sắc màu nói chung.