'Bố tớ đi bảo vệ biên giới được về rồi đây này!'
Mới đây, tôi may mắn được theo chân đoàn công tác nghiên cứu thực tế của Trường Sĩ quan Chính trị tại Quân khu 4 và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Con đường quanh co từ TP Đông Hà dọc theo sông Đakrông đưa đoàn công tác đến với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tại đây, chúng tôi được nghe những người lính biên phòng kể về hậu phương gia đình, về những việc họ làm cho bà con nơi đây, về tình cảm của bà con dành cho các anh giản dị, mộc mạc nhưng thật xúc động...
Câu chuyện đầu tiên là của Trung tá Đậu Xuân Thủy, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kể về cô con gái Đậu Phương Anh (12 tuổi). Vợ và con gái anh hiện đang ở Diễn Châu (Nghệ An), cách đơn vị gần 400km. Chuyện rằng, có một lần, do yêu cầu nhiệm vụ, hơn hai tháng anh chưa được về nhà. Ở trường, các bạn khác được bố đến đón, còn con gái anh thường xuyên chỉ được mẹ đưa đi đón về. Các bạn hỏi con rằng bố đi đâu mà sao không thấy đến đón. Con đã bảo với các bạn là: “Bố tớ còn bận đi bảo vệ biên giới chưa về được”.
Anh bảo, khi nghe con gái kể qua điện thoại như vậy, anh phải dừng lại một lúc vì xúc động, thương con và trong lòng cũng trào dâng niềm tự hào khó tả bởi con gái còn nhỏ nhưng đã rất mạnh mẽ và thấu hiểu công việc của bố. Và rồi, trong đợt nghỉ tranh thủ, anh không báo trước mà muốn mang đến sự bất ngờ cho con. Vậy là gần giờ tan học của con, anh trong bộ quân phục đứng sẵn ở sân trường chờ đón con gái. Cô bé nhìn thấy bố thì vô cùng ngạc nhiên, chạy ào ra ôm chầm lấy bố, hớn hở khoe với bạn bè: “Các bạn ơi, bố tớ đi bảo vệ biên giới được về rồi đây này! Bố tớ là Bộ đội Biên phòng”. Các bạn của cô bé vỗ tay reo vui, đồng thanh chào: "Chúng cháu chào chú Bộ đội Biên phòng".
Kể đến đây, anh Thủy dừng lại, đôi mắt đã rưng rưng từ lúc nào. Chăm chú lắng nghe anh kể, chúng tôi cũng lặng người vì xúc động. Cứ như vậy, chúng tôi ngồi chia sẻ cùng nhau trong không khí đầm ấm, gần gũi. Các câu chuyện cứ nối tiếp nhau một cách tự nhiên về người lính biên phòng, về những khó khăn, vất vả khi bám dân, bám bản, cùng ăn, cùng ở với đồng bào để tuyên truyền kiến thức về pháp luật và chủ quyền biên giới quốc gia; về những lần đối mặt với tội phạm... Trong câu chuyện, nhiều mô hình được các anh triển khai, thực hiện hiệu quả những năm qua cũng được nhắc đến với niềm tự hào ánh trên khuôn mặt; tiêu biểu như mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư giữa hai bên biên giới”, là niềm vui của các em nhỏ, gia đình khi được cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến thăm trong mô hình “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng”...
Trò chuyện cùng các anh, chúng tôi được biết, hầu hết cán bộ, chiến sĩ của đơn vị gia đình đều ở xa. Đường sá đi lại không thuận tiện, nhiệm vụ đơn vị đặc thù. Vì vậy, chuyện một, hai tháng, thậm chí có những thời điểm 3-4 tháng các anh mới tranh thủ về thăm gia đình một lần cũng không phải là hiếm. Việc chăm sóc con cái, đối nội đối ngoại gần như được trao hết cho "một nửa" ở nhà. "Hậu phương có vững chắc, chúng tôi mới yên lòng", chia sẻ của anh Thủy cũng là suy nghĩ của hầu hết cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Trước khi rời Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chúng tôi thật xúc động khi nghe những lời chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu, Chính trị viên phó của Đồn: “Niềm vui của người lính biên phòng chúng tôi là nhận được niềm tin yêu của đồng bào. Cứ mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến thăm, đồng bào đều nói: “Ở vùng biên giới này, nơi đâu có bóng dáng của Bộ đội Biên phòng là bà con dân bản yên tâm nhiều lắm”. Chỉ cần thấy cuộc sống của đồng bào ổn định và phát triển là chúng tôi vui”.
Khi viết bài này cũng là lúc tôi nhận được tin Trung tá Đậu Xuân Thủy vừa về nhận nhiệm vụ Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị). Dù đơn vị mới lại kéo dài khoảng cách hậu phương hơn nữa, nhưng chúng tôi biết không riêng anh Thủy, mà tất cả những người lính biên phòng nói chung luôn nén tình cảm và hạnh phúc cá nhân, hết lòng với nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Và cũng bởi phía sau họ còn có hậu phương luôn đồng hành, cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.