Vụ cháu nội hành hung bà: Xử tội gì?

Ngược đãi, giết người, cố ý gây thương tích hay vô ý làm chết người?

Hôm qua (15-1), đại tá Từ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP Đồng Hới nhanh chóng làm rõ cái chết của mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài. Dấu hiệu ngược đãi bà Nài của đứa cháu nội Trần Chí Hiếu đã rõ, tuy nhiên sự ngược đãi đó có phải là nguyên nhân gây nên cái chết của bà hay không thì cần chờ kết quả điều tra mới có thể kết luận.

Con cháu bất hiếu

Như chúng tôi đã thông tin, hai vợ chồng Hiếu sống trong nhà của bà nội nhưng lại bắt bà nội ở riêng trong một căn phòng chưa đầy 8 m2. Ở tuổi 83, bà Nài phải tự nấu ăn, giặt giũ quần áo, tự lo tất cả mọi việc cho mình.

Đêm 14-12-2007, vợ chồng Hiếu gây sự với bà Nài vì tranh giành một tấm gỗ ván. Hiếu khai khi giành gỗ, bà Nài bị ngã, thương tích nặng. Sau đó, vợ chồng Hiếu bỏ đi, để bà nằm trên nền nhà suốt đêm. Nghe tiếng bà khóc, trưởng thôn chạy đến, thấy bà như vậy liền báo cho cha của Hiếu (con trai bà Nài) song chỉ nhận được sự thờ ơ. Thậm chí khi bà con đến để giúp bà Nài thì vợ của ông này còn tỏ thái độ khó chịu, nặng lời rằng đây là việc nội bộ gia đình. Khi mọi người ra về thì bà này cũng bỏ về luôn, để mặc bà Nài trong cơn đau vì một chân bị gãy, mặt mũi sưng vù, biến dạng.

Sáng 17-12-2007, không thể đợi sự quan tâm của gia đình Hiếu, ông trưởng thôn đã cùng một số họ hàng đến đưa bà Nài đi cấp cứu tại trạm xá xã. Thấy chấn thương nặng, cán bộ y tế xã chuyển bà Nài lên điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.

Theo bệnh án, bà Nài nhập viện ngày 18-12-2007, bị “chấn thương hàm mặt, gãy cổ xương đùi do bị đánh”. Lúc nằm ở đây, bà không hề nhận được sự chăm sóc của con trai và cháu nội. Nhiều bệnh nhân ở cùng phòng thương cảm cho tình cảnh của bà đã mang thức ăn, nước uống đến cho. Sau một tuần điều trị, sức khỏe bà có dấu hiệu ổn định nên được ra viện. Tuy nhiên, về đến nhà, chỉ hai ngày sau bà đã mất.

Cái chết của bà Nài đã làm dư luận bức xúc. Ông Trần Xuân Doãn, Bí thư chi bộ thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh (TP Đồng Hới) và bà con lối xóm của bà đều khẳng định: Chưa khi nào trong ngôi nhà này lại không có tiếng xỉ vả, chửi mắng bà. Bà liên tục bị Hiếu chửi bới, đánh đập, không ít lần phải đến trạm xá chữa trị. Có lần Hiếu bí mật chở bà nội đi cấp cứu vì vết thương trên đầu chảy máu quá nhiều. Đến trạm y tế, các y tá phải cầm máu và khâu bốn mũi. Nhiều lần Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đến hòa giải, khuyên can nhưng bà vẫn bị vợ chồng Hiếu đối xử tệ mà chuyện xảy ra trong đêm 14-12-2007 chỉ là giọt nước tràn ly...

Giết người, cố ý gây thương tích hay ngược đãi?

Trong vụ này, công an khởi tố Hiếu về hành vi ngược đãi bà nội (Điều 151 BLHS, có mức hình phạt cao nhất là ba năm tù) chỉ là sự định tội ban đầu. Tội danh của Hiếu còn phụ thuộc vào việc công an xác định thương tích của bà Nài là do Hiếu đánh hay do giành gỗ mà tự ngã và cái chết của bà có liên quan gì đến chuyện này hay không.

Trong trường hợp công an chứng minh được Hiếu đánh bà Nài gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, tất cả các chuyên gia mà chúng tôi hỏi ý kiến đều thống nhất rằng lúc đó tội danh của Hiếu sẽ không còn là ngược đãi nữa. Như một kiểm sát viên VKSND tối cao phân tích, nếu Hiếu có ý định giết bà Nài hoặc dùng hung khí nguy hiểm (miếng ván, khúc gỗ...) đánh vào vùng nguy hiểm của cụ thì Hiếu phạm tội giết người (Điều 93 BLHS) dù hậu quả chết người không xảy ra ngay lúc đó. Còn nếu Hiếu chỉ đánh đập bình thường, không có ý định tước đoạt sinh mạng của bà thì phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS).

Vậy giả thiết sự thật đúng như lời khai của Hiếu là bà Nài bị thương vì ngã do tranh giành gỗ thì sao?

Theo một thẩm phán TAND tối cao, trường hợp này Hiếu vẫn bị xử lý về tội ngược đãi bởi Hiếu đã chửi mắng, bỏ mặc bà Nài nằm dưới đất sau khi bị thương, thể hiện sự đối xử tệ bạc với bà nội. Chưa hết, hành vi chửi mắng, ngược đãi của Hiếu còn lặp đi lặp lại (lối xóm chứng kiến), không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau đớn về tinh thần cho bà, gây phẫn nộ trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội.

Ngược lại, theo luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), Hiếu phạm tội vô ý làm chết người chứ không phải ngược đãi. Ông phân tích: Một thanh niên như Hiếu phải thấy trước chuyện giằng co với một bà cụ lụ khụ thì nhất định cụ sẽ té ngã. Mà với cái tuổi hơn 80 khi bị ngã, khả năng chấn thương dẫn đến chết là rất lớn. Rõ ràng chuyện bà Nài chết có liên quan với chuyện bị ngã nên phải xử Hiếu tội này mới chính xác.

Luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư người nghèo) lại cho rằng có thể xử Hiếu cả hai tội ngược đãi và vô ý làm chết người! Theo ông, hành vi đối xử tệ bạc của Hiếu lặp đi lặp lại, có hệ thống, khiến các tổ chức, đoàn thể phải nhắc nhở nhiều lần, vi phạm quy chuẩn đạo đức xã hội, công luận căm phẫn (hậu quả nghiêm trọng), đương nhiên phải bị xử lý về tội ngược đãi. Cạnh đó, vụ Hiếu tranh giành gỗ khiến bà cụ ngã đêm 14-12-2007 là hành vi độc lập với chuỗi hành vi ngược đãi có hệ thống trước đó, phải bị xử bằng tội khác là vô ý làm chết người.

Tội danh của Hiếu còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra xác định thương tích của bà Nài là do Hiếu đánh đập hay do giành gỗ mà tự ngã, cái chết của bà có phải do ảnh hưởng của chuyện này hay không...

HỒNG CHÂU - PHONG NHA

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/vu-chau-noi-hanh-hung-ba-xu-toi-gi-273792.html