Vụ bị can lừa đảo ở Phú Xuyên, Hà Nội kêu cứu: Đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can

Công an huyện Phú Xuyên đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình 'sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản', ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Xuân Khắc và bà Đỗ Thị Mạc.

Vụ việc ông Nguyễn Xuân Khắc (trú xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cầu cứu về việc mình cũng là bị hại nhưng lại bị khởi tố bị can đã được nhiều cơ quan chức năng quan tâm, chú ý. Đại diện Công an huyện Phú Xuyên đã nhiều lần đến đặt lịch làm việc với Tòa soạn báo Pháp luật Việt Nam liên quan đến vụ việc này.

Giấy giới thiệu công tác của Công an huyện Phú Xuyên gửi tới báo Pháp luật Việt Nam.

Không chỉ ông Khắc mà rất nhiều người đều băn khoăn rằng, liệu cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Xuyên, Hà Nội có hình sự hóa quan hệ dân sự trong trường hợp này, khi mà bản thân ông Khắc đã ngay lập tức đưa tiền trả lại cho các "bị hại" khi biết rằng mình không có khả năng xin việc, hoặc các "bị hại" không còn có nhu cầu xin việc nữa?! Lần thứ nhất ông Khắc đưa số tiền 200 triệu đến cơ quan điều tra Công an huyện Phú Xuyên nhờ chuyển đến bị hại là bà Phạm Thị Mỳ nhưng không được thực hiện ngay. Do gia đình bà Mỳ liên tục đòi nên ông Khắc đã tiếp tục vay mượn số tiền trên trả lại cho gia đình bà Mỳ, số tiền 200 triệu lần 1 đã được cơ quan điều tra trả lại cho ông Khắc vào một thời gian sau.

Sau khi làm việc với Tòa soạn báo Pháp luật Việt Nam, cùng với quá trình thu thập thông tin, xem xét chứng cứ, Công an huyện Phú Xuyên đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình "sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Xuân Khắc và bà Đỗ Thị Mạc. Trong các quyết định đình chỉ điều tra bị can trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Xuyên đã hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Khắc và bà Mạc.

Công an huyện Phú Xuyên nhận định hành vi của các bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nên đã quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

Có lẽ đây là một tin vui không chỉ đối với gia đình ông Khắc, mà còn đối với nhiều người quan tâm đến vụ án này. Ông Khắc chia sẻ, "việc giúp người khác xin việc vào cơ quan Nhà nước tôi đã nhận thấy là chưa đúng. Tuy nhiên việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tôi là "hình sự hóa quan hệ dân sự" khi tôi đã chủ động nhờ cơ quan công an trả lại tiền cho gia đình bị hại từ trước khi họ gửi đơn kiện lên công an. Việc bị khởi tố đã hạn chế của tôi rất nhiều việc, ảnh hưởng đến danh dự của gia đình tôi thời gian qua, nay được trả lại tự do, tôi rất vui mừng".

Ngày 5/4/2017, Công an huyện Phú Xuyên đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Nguyễn Xuân Khắc và bà Đỗ Thị Mạc để điều tra.

Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Xuân Khắc, đến ngày 9/5/2017, quyết định khởi tố bị can đối với bà Đỗ Thị Mạc. Tuy nhiên sau đó, bà Mạc có quyết định phải đi chữa bệnh bắt buộc.

Ông Nguyễn Xuân Khắc cũng thông qua nhịp cầu là Tòa soạn báo Pháp luật Việt Nam, muốn gửi lời cảm ơn đến nhà báo, luật sư cùng những người thực thi pháp luật đã trải qua quá trình khó khăn để mang lại công lý cho ông.

Có thể nói, xin việc, chạy việc là vấn đề nan giải hiện nay. Tuy nhiên, một câu chuyện dân sự, bị hình sự hóa thành vụ án hình sự cũng đang là một vấn đề mà nền tư pháp quan tâm. Phải làm gì để luật được sử dụng đúng người, đúng tội, điều đó phụ thuộc vào quá trình cải cách tư pháp của chúng ta hiện nay.

Diệu Nhi

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/vu-bi-can-lua-dao-o-phu-xuyen-ha-noi-keu-cuu-dinh-chi-vu-an-dinh-chi-bi-can-d92678.html