Vụ bác sỹ bị cáo buộc hiếp dâm: Nhiều mâu thuẫn

Luật sư bào chữa cho bị cáo đã nêu ra nhiều điểm mâu thuẫn chưa được lý giải trong vụ điều dưỡng tố bác sĩ hiếp dâm.

Bị cáo tố ngược

Ngày 26/11/2020, TAND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Quang Huy Phương về tội danh hiếp dâm, cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật.

Theo cáo trạng, Phương là bác sỹ, chị Dương Huỳnh Thu T. (24 tuổi) là nhân viên điều dưỡng tại khoa da liễu, Bệnh viện Trung ương Huế.

Trưa 17/9/2019, Phương gọi điện cho chị Nguyễn Thị Thùy Trang (đồng nghiệp tại khoa Da liễu) nhờ nói với chị Nguyễn Thị Mừng (nhân viên điều dưỡng) qua làm việc thay cho chị T. và nói chị T. đến gặp chị Trần Thị Thùy Nhung (nhân viên khoa Da liễu) lấy liều thuốc đẹp da đem đến quán cà phê “Nhà” ở tầng 1, dãy nhà B, Khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế).

Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Phương.

Khi đến nơi, chị T. nhìn vào quán nhưng không thấy Phương. Do chị T. đã biết phòng của Phương ở tầng 2 (ngay phía trên quán cà phê) nên chị T. đi tới.

Trước khi lên gặp Phương, chị T. lấy điện thoại, bật chế độ ghi âm, để vào túi áo khoác đang mặc trên người.

Chị T. vào phòng, Phương liền đóng cửa lại và bảo chị T. ngồi xuống ghế rồi buộc chị T. cởi áo khoác ra.

Theo cáo buộc, sau đó Phương đã có hành vi khống chế, dùng vũ lực với chị T. nhằm giao cấu trái với ý muốn của chị T. Khi chị T. chạy thoát ra khỏi phòng, Phương đuổi theo bắt chị T. đưa vào phòng, đánh vào mặt chị T.

Kết quả giám định của cơ quan chức năng, chị T. bị tổn hại 37% sức khỏe. Ngày 23/9/2019, chị T. có đơn yêu cầu khởi tố với Lê Quang Huy Phương.

Tại phiên tòa sáng ngày 26/11/2020, bị cáo Phương phủ nhận những cáo buộc trong bản cáo trạng mà đại diện VKSND TP. Huế nêu.

Bị cáo Phương nghi ngờ, chuyện xảy ra với nằm trong kế hoạch của T. Điều dưỡng T. đã gọi điện cho một đồng nghiệp nói rằng Phương nhờ T. mang liều thuốc đẹp da đến cho mình.

"Tôi đang dọn dẹp nhà nên không đóng cửa. Khi chị Th. vào nhà thì tôi có phần bức xúc nhưng không có ý định làm gì chị ấy" – Phương khẳng định.

Bị cáo cũng khẳng định rằng khi bị hại vào nhà thì cửa chính nhà mình khép lại chứ không khóa chốt. Và nói rằng trong suốt buổi gặp, Phương không đụng tới bị hại, chính bị hại là người có hành động bất thường như đánh vào bụng bị cáo nên bị Phương phản ứng lại.

"Vào nhà tầm 7-8 phút sau thì chị đánh vào vùng bụng tôi mà không rõ nguyên nhân. Trước đó là sờ vào bộ phận sinh dục tôi và tôi yêu cầu thả ra", Phương khai.

Một lần nữa Phương khẳng định không có ý định hiếp dâm T. Bởi theo bị cáo, không ai mà đi hiếp dâm người mà gọi tới chỗ đông đúc dân cư, chợ búa và khu tập thể. Đồng thời, không ai đi hiếp dâm mà lại gọi điện qua trung gian (nữ đồng nghiệp của T.).

Bên cạnh đó, trước khi xảy ra sự việc Phương vừa phải mổ viêm bao mỡ, bị biến chứng, xung quanh người phải đeo nẹp bụng, khả năng tình dục nam yếu.

Tại tòa, bị hại T. cũng thừa nhận chuyện có dùng tay bóp vào bộ phận sinh dục của Phương nhưng lại không mô tả được tình trạng của Phương lúc này. Đồng thời, T. còn cho rằng một số nội dung trong đoạn băng ghi âm trong máy điện thoại của mình không đúng và từ chối trả lời nhiều câu hỏi mà luật sư đưa ra.

Luật sư đặt nhiều câu hỏi và câu trả lời của bị hại T.:

Nhiều tình tiết gỡ tội cho bị cáo bị bỏ quên?

Luật sư Đỗ Văn Nhặn - người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa cũng nêu ra nhiều điểm chưa được làm rõ trong đoạn băng ghi âm từ máy điện thoại của T. Theo ông Nhặn, trong đoạn băng ghi âm này có nhiều đoạn thể hiện nội dung là bằng chứng gỡ tội cho bị cáo Phương nhưng trong bản giám định chỉ thể hiện dấu "...".

“Việc dịch này có đảm bảo tính khách quan không?”, luật sư Nhặn hỏi. Nữ giám định viên trả lời, do nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng tới việc nghe, có một số nội dung bà để “ba chấm” do bản thân không nghe rõ.

“Chị cho rằng chị nghe không rõ. Chúng tôi cho rằng việc đó chị trả lời chưa khách quan hoặc do năng lực”, luật sư Nhặn hỏi.

Lúc này, nữ giám định viên đứng dậy nói việc bản thân bà không nghe rõ do nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng tới việc nghe, tiếng nhạc lớn. “Chúng tôi nghe được rõ thì tôi ghi ra”, nữ giám định viên nói.

Tuy nhiên, luật sư Nhặn trình bày lại: “Tôi thấy rất lạ là có nhiều nội dung tôi không phải người Huế tôi còn nghe rất rõ: "Anh nói rồi mà, anh không có hứng với em”.

Luật sư Nhặn cũng chỉ ra, kết quả giám định thương tật của nạn nhân chỉ dựa trên bản trích sao. Điều này không đúng với quy định, hồ sơ giám định phải gồm tất cả các bản sao và các hồ sơ bệnh án để giám định viên nghiên cứu.

"Quy trình giám định pháp y của Bộ Y tế quy định rất rõ: Nếu hồ sơ giám định không đầy đủ, không có tính pháp lý, giám định viên có quyền từ chối. Vậy tại sao giám định viên lại không từ chối?" - luật sư Nhặn đặt câu hỏi với giám định viên thương tật cho bị hại.

Giám định viên trả lời: "Cơ quan điều tra cung cấp cho họ trích sao có đóng dấu, luật sư muốn hỏi thì lên bệnh viện hỏi, đừng hỏi chúng tôi”.

Tiếp lời, luật sư Nhặn hỏi giám định viên hạng mục nào trong bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể phần mềm để đánh giá tỉ lệ tổn thương cơ thể là 9%.

“Đề nghị giám định viên chỉ rõ căn cứ pháp lý điều khoản nào, mục nào có hay không mà giám định viên lại tự cho rằng tổn thương phần mềm là 9%?”, luật sư Nhặn nói.

Giám định viên cho biết ở đây thứ nhất vùng mắt bầm tím, má, môi bầm tím, vùng cổ có vết thương… “Chúng tôi cộng lại là có 9 khu vực vì vậy chúng tôi áp dụng tỉ lệ tổn thương thấp nhất của phần mềm”, giám định viên nói.

Trước câu trả lời này, chủ tọa nói: “Tức là theo giám định viên trả lời câu hỏi, từ 1% - 3%, ở đây 9 vùng nên áp dụng một vùng 1% nên 9 vùng là 9% như vậy có phải không?”. Giám định viên nói "vâng".

Hiện phiên tòa sẽ được tiếp tục diễn ra vào ngày 27/11.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/vu-bac-sy-bi-cao-buoc-hiep-dam-nhieu-mau-thuan-3423266/