'Vong nhi' - nỗi ám ảnh kinh hoàng sau phá thai
Dù có dàn diễn viên thực lực, phim kinh dị 'Vong nhi' gây thất vọng vì kịch bản nhiều điểm trừ và lối kể cũ kỹ.
Vong nhi là phim kinh dị Việt đầu tiên ra rạp trong năm nay. Tác phẩm quy tụ những gương mặt quen thuộc gồm Lê Phương, NSƯT Hạnh Thúy, Nhật Kim Anh… Đặc biệt theo Lê Phương, đây là "vai diễn đầu tiên ở lĩnh vực điện ảnh, là điểm son trong sự nghiệp diễn xuất" của cô. Dự án ra rạp với chiến lược truyền thông không quá rầm rộ, nhưng tên tuổi dàn diễn viên ít nhiều tạo được sự tò mò nhất định với khán giả.
Ám ảnh sau phá thai
Chuyện phim bắt đầu khi Thảo (Lê Phương) dẫn em gái đi phá thai vì nghĩ rằng đây là lựa chọn sáng suốt, tốt cho tương lai của em. Kể từ đó, cuộc sống của Thảo bắt đầu bị đảo lộn, nhiều sự kiện bí ẩn liên tục diễn ra mà cô không thể tìm cách giải thích. Vốn là người phản đối mê tín dị đoan, nhân vật dần nghe lời người giúp việc Nụ (Lê Trang), tin rằng nhà mình bị vong ám. Đáng chú ý, Thảo nghĩ mọi việc xảy ra đều liên quan đến quyết định phá thai của em gái.
Nỗi sợ được khắc họa thông qua diễn biến tâm lý của Thảo. Bản thân nhân vật cũng có nhiều vấn đề trong cuộc sống. Sau 4 năm hôn nhân, cô khao khát có con với Tùng (Quốc Huy) nhưng chưa được. Chồng cô thường xuyên phải đi công tác, để vợ ở nhà một mình với người giúp việc. Đến khi Thảo có thai, cô dần rơi vào chứng trầm cảm, không có ai chia sẻ, giúp đỡ.
Lựa chọn thể loại kinh dị để dẫn dắt câu chuyện, các nhà làm phim muốn nhắc nhở người xem về hậu quả của việc phá thai. Hành động không chỉ tác động xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người mẹ. Nỗi ám ảnh về ma quỷ của Thảo phần nào như lời nhắc khán giả xem phim rằng phá thai là điều không nên.
Thực tế, chủ đề tác phẩm khai thác không mới nhưng vẫn gần gũi với đời sống hiện đại. Ngay từ đầu phim, đạo diễn cũng đưa ra những số liệu khẳng định vấn đề nạo phá thai không giảm đi mà có xu hướng tăng lên. Cách làm này ít nhiều cho thấy sự đầu tư nghiên cứu từ phía ê-kíp.
Kịch bản, đạo diễn nhiều hạn chế
Tác phẩm có ý tưởng tốt, giàu tính nhân văn, nhưng kịch bản còn nhiều lỗ hổng khiến câu chuyện chưa thực sự thuyết phục. Đơn cử, mối quan hệ giữa các nhân vật được xây dựng khá hời hợt. Thảo chỉ gặp em đúng một lần sau lần phá thai. Dù sống cùng chồng giàu có, cô không có cách nào giúp đỡ người thân, để em gái ở một mình trong căn hộ bình dân, không ai chăm sóc. Bên cạnh các nhân vật chính, kịch bản cài cắm nhiều nhân vật phụ nhưng không khai thác sâu, dẫn đến đôi chỗ mạch phim còn rời rạc.
Ngay đầu phim đã có tình tiết khiên cưỡng là chồng Thảo mua búp bê về tặng vợ, mong cô có thứ để chơi trong lúc anh vắng nhà. Chưa kể, nhân vật Nụ giúp việc thường xuyên xuất hiện bất ngờ với mục đích gây cười, nhưng đồng thời làm phá vỡ không khí nghiêm túc, căng thẳng đang có trong phim.
Ngoài ra, cách đạo diễn dẫn dắt câu chuyện còn cũ. Các yếu tố hù dọa rất bình thường và quen thuộc. Những cú jump scare được sử dụng một cách công thức, thiếu sức nặng nên không gây tò mò. Khán giả xem nhiều phim kinh dị đều có thể dễ dàng đoán trước được chuyện sắp xảy ra. Hiệu ứng kỹ xảo và tạo hình ma quỷ trong phim cũng chưa ấn tượng nên không tạo được cảm giác sợ hãi cần thiết.
Càng về cuối, các cú twist được cài cắm vô tội vạ dẫn đến kết phim còn mang tính sắp đặt, chủ yếu để nhấn mạnh luật nhân quả. Song, ê-kíp lồng ghép nhiều yếu tố tâm linh khiến thông điệp bị nặng nề. Bài học mà tác phẩm muốn truyền tải có phần hơi sách vở và phi thực tế.
Diễn xuất hơi hướm truyền hình
Các diễn viên trong phim chủ yếu quen thuộc trên màn ảnh nhỏ, do đó lối xử lý nhân vật ít nhiều vẫn còn sự lên gân, tạo cảm giác của phim truyền hình. Nổi bật nhất vẫn là Lê Phương trong vai chính Thảo. Với kinh nghiệm diễn xuất lâu năm, cô không gặp khó khăn trong việc thể hiện diễn biến tâm lý nhân vật. Nữ diễn viên thể hiện tốt những phân đoạn đòi hỏi nội tâm, duy trì không khí căng thẳng cần thiết.
Nhật Kim Anh cũng thể hiện nhiều cảm xúc trong vai người mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo, sắp sửa đối diện cái chết. Tuy nhiên, cô không tạo được nhiều bất ngờ vì lối diễn còn quen thuộc, giống những lần xuất hiện trước.
Các diễn viên phụ ở mức tròn vai. NSƯT Hạnh Thúy vừa đảm nhận vai trò đồng biên kịch, vừa tham gia với một vai nhỏ. Đây cũng là dạng vai chị thường xuyên đóng: Một phụ nữ khắc khổ, nặng về nội tâm. Lê Trang trung thành với lối diễn hài trong các tiểu phẩm, kịch nói. Quốc Huy không có nhiều đất diễn nhưng vẫn lột tả được tâm lý của một người chồng thương vợ, khao khát có con.
Nhìn chung, Vong nhi là nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà làm phim Việt trong việc kết hợp đề tài phá thai và yếu tố kinh dị. Tuy nhiên, phim còn mắc nhiều điểm trừ khó hiểu, ít nhiều khiến câu chuyện bị mất cảm xúc, không tạo được ấn tượng mạnh.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vong-nhi-noi-am-anh-kinh-hoang-sau-pha-thai-post1508553.tpo