'Vòm sắt' Israel trong chiến dịch 'Người bảo vệ những bức tường'

Cùng bạn đọc: chúng tôi mới giới thiệu bài 'Đại tá Nga Khatylev nói về hiệu quả của 'Iron Dome' Israel' (DVO,13/5/2021).

Có thể do cách diễn đạt chưa rõ nên khiến vài bạn đọc thắc mắc ở một số chi tiết. Để giải đáp những thắc mắc trên đồng thời cũng cung cấp thêm một số thông tin về tổ hợp này cùng những diễn biến trong cuộc xung đột Palestine- Israel trong mấy ngày gần đây, xin giới thiệu bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Ryabov Kirill.

Bài cũng đăng trên “Bình luận quân sự” và khá dài, mong bạn đọc kiên nhẫn:

:

Vào chiều tối ngày 10/5, theo giờ địa phương, các đơn vị vũ trang của Palestine lại tiếp tục tấn công vào lãnh thổ Israel bằng các loại tên lửa không điều khiển nhiều kiểu khác nhau, cả những tên lửa được sản xuất theo kiểu thủ công lẫn những tên lửa được sản xuất tại nhà máy.

Để bảo vệ các thành phố, cơ sở hạ tầng và người dân của mình, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã triển khai chiến dịch “Người bảo vệ những bức tường” (tạm dịch từ - “Operation Guardian of The Walls” – ND), và trong chiến dịch này đã (và đang) sử dụng mọi hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến thuật hiện có, trong đó có hệ thống “Kipat Barzel” (“Iron Dome” - “Vòm Sắt”) nổi tiếng nhất.

Và lại một lần nữa chúng ta có cơ hội để đánh giá khả năng thực sự của hệ thống phòng thủ chống tên lửa này.

Các chỉ số tác chiến

Trong mấy tuần qua, tình hình căng thẳng liên tục gia tăng tại các khu vực tranh chấp (Palestine- Israel) , Israel và các đối thủ đã có những hành động khiêu khích chống lại nhau.

Đặc biệt, các tổ chức của Palestine đã nhiều lần sử dụng súng cối và tên lửa không điều khiển. Tuy nhiên, các cuộc tập kích khi đó vẫn chỉ mang tính chất rời rạc, và IDF khi cần thiết đã bắn hạ thành công tất cả các loại đạn của Palestine .

Tên lửa và tên lửa đánh chặn trên bầu trời

Việc sử dụng một cách ồ ạt vũ khí tên lửa mới được bắt đầu vào chiều muộn ngày 10/5. Sau 18:00 (giờ địa phương), đã có loạt phóng đầu tiên gồm 7 quả tên lửa nhằm vào khu vực thành phố Jerusalem.

Không lâu sau đó, bắt đầu các cuộc tấn công vào những vùng lãnh thổ gần Dải Gaza và miền Nam Israel. IDF thông báo rằng cho đến nửa đêm 10/5, đối phương đã bắn hơn 160 quả tên lửa.

Hàng chục mối đe dọa như vậy (IDF không đưa ra con số chính xác là bao nhiêu) đã bị “Kipat Barzel” (“Vòm sắt”) đánh chặn thành công. Một số tên lửa rơi xuống khu vực sa mạc cách xa các khu dân cư và người dân.

Nhưng cũng có những quả tên lửa chọc thủng được hệ thống đánh chặn. Theo dữ liệu của Israel, trong ngày 10/5 đã có 4 tòa nhà ở bị hư hại. Không có ai thiệt mạng, nhưng có một số người bị thương, chủ yếu do các mảnh vỡ của các công trình bị hư hại.

Suốt đêm 10 rạng sáng ngày 11/ 5, tên lửa Palestine liên tục bắn về phía Israel. Suốt đêm, buổi sáng và cả ngày, người Palestine vẫn tấn công vào cùng những mục tiêu như trước. Vào chiều tối 11/5, bắt đầu các cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào khu vực Tel- Aviv.

Đến 8 giờ sáng, IDF thông báo đã có ít nhất 200 quà tên lửa được sử dụng, 90 quả trong số đó hệ thống phòng thủ chống tên lửa đánh chặn. Theo bản tin chiến sự buổi chiều (sau 19:30 giờ địa phương), số lượng tên lửa được phóng đã tăng lên 480 tên lửa. Có 200 quả bị đánh chặn.

Phóng tên lửa đánh chặn “Tamir”

Trong ngày 11/5, có thông tin về việc hai chục quả tên lửa bắn trúng các khu nhà dân, các tòa nhà văn phòng và các mục tiêu xã hội ở các khu định cư khác nhau; nhiều xe ô tô và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Vào lúc 18h24, một quả tên lửa đã bắn trúng kho chứa dầu gần thành phố Ashkelon. Tại những thành phố bị tấn công, tổng cộng đã hơn một trăm người phải nhập viện. Đã có một số nạn nhân chết tại chỗ và một số người khác chết vị bị thương nặng.

Các cuộc tấn công tiếp tục trong suốt ngày 12/ 5. Theo IDF, đến sáng 12/5. số lượng tên lửa được sử dụng đã lên tới 850 quả. Hamas tuyên bố đã sử dụng nhiều kiểu tên lửa khác nhau, kể cả những kiểu nhận được từ Iran.

Cũng có thông tin về việc đánh chặn các UAV của Palestine khi chúng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Israel. Từ sáng đến chiều tối phía Palestien đã phóng khoảng 180 quả tên lửa.

Theo số liệu của IDF, khoảng 40 quả rơi ngay tại ở Gaza (vì trục trặc kỹ thuật) và vài chục quả khác bị hệ thống “Kipat Barzel” bắn hạ.

Lại tiếp tục có thông tin về việc một số tên lửa qua được hệ thống phòng thủ chống tên lửa và rơi xuống lãnh thổ của các khu vực đông dân cư. Chỉ tại thị trấn Ashkelon, đã có ít nhất 110 người cần hỗ trợ y tế, trong số đó hơn 10 người phải nhập viện. Có người bị thương nặng và thiệt mạng.

Như vậy, tính đến nửa đêm ngày 13/5, phía Palestine đã phóng hơn 1.000 quả tên lửa các kiểu với các tính năng kỹ- chiến thuật khác nhau. Gần 850 quả trong số đó đã bay vào không phận Israel.

Trong các bản tin của IDF có đề cập đến việc đánh chặn thành công một số lượng lớn tên lửa, nhưng con số chính xác là bao nhiêu vẫn không được công bố.

Cùng thời gian đó, các quan chức Israel khẳng định khả năng của hệ thống phòng thủ chống tên lửa nước này có thể đánh chặn tới 90% các vật thể nguy hiểm bay về hướng các khu dân cư.

Một số tên lửa đã vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa và đánh trúng mục tiêu trong các khu vực được bảo vệ. Hậu quả là 5 người chết, hàng trăm người bị thương vần hỗ trợ y tế và nhập viện, tổng thiệt hại vật chất ước tính hàng chục triệu shekel. Nếu các cuộc tấn công vẫn tiếp tục, những con số tổn thất sẽ tiếp tục tăng.

Phương tiện chủ yếu

Trong trang bị của IDF có một số tổ hợp chống tên lửa với các tính năng và khả năng khác nhau. Nhiệm vụ tác chiến chủ yếu được giao cho các tổ hợp “Kipat Barzel” do tập đoàn Rafael và tập đoàn IAI thiết kế, sản xuất.

Những tổ hợp đầu tiên kiểu này được đưa vào trực chiến vào tháng 3/2011. Sau đó, quân đội Israel đã tiếp nhận các tổ hợp mới và triển khai chúng trên các tất cả các hướng nguy hiểm. Cách đây không lâu, những tổ hợp này đã được hiện đại hóa.

Trong biên chế của một đại đội “Iron Dome” có một radar đa năng EL / M-2084, một đài chỉ huy và ba bệ phóng với 20 quả tên lửa đánh chặn “Tamir” mỗi bệ. Tổ hợp hoạt động ở chế độ tự động và giám sát tình huống trên không. Khi phát hiện vật thể nguy hiểm, sẽ phóng ngay tên lửa đánh chặn.

Thời gian phản ứng, từ khi phát hiện mục tiêu đến thời điểm phóng tên lửa là vài giây. Tổ hợp "Kipat Barzel" có khả năng chống lại tên lửa không điều khiển có tầm bắn từ 4 đến 70 km. Có thông tin là tổ hợp này còn có cả khả năng đánh chặn cả máy bay và UAV.

Các kỹ sư thiết kế và các đơn vị khai thác khẳng định tổ hợp chống tên lửa này có độ tin cậy và hiệu quả rất cao. Đặc biệt, nó có thể tự động xác định mức độ nguy hiểm của mục tiêu bị phát hiện đối với các khu dấn cư.

Những quả đạn bay về hướng khu vực không có dân cư sẽ “được bỏ qua”; “Vòm sắt” chỉ phóng tên lửa đánh chặn những quả đạn đe dọa khu vực đông dân cư. Như vậy cho phép đạt được xác suất đánh trả rất cao trong khi tiết kiệm được tối đa số tên lửa đánh chặn.

Các địa điểm bị tên lửa Palestine tấn công trong các ngày 10-12/5

Môn toán học cho đánh chặn tên lửa

Từ ngày 10 đến ngày -12/5, dân quân Palestine đã sử dụng hơn 1.000 quả tên lửa không điều khiển. Ít nhất có 150-200 quả không lên được quỹ đạo tính toán và rơi xuống ngay Dải Gaza.

Vài trăm quả tên lửa không đe dọa các khu vực đông dân cư, được “lờ đi” và tự rơi xuống những khu vực an toàn. Hàng trăm quả tên lửa khác bay về hướng các thành phố đã bị “Iron Dome” đánh chặn thành công.

Tuy nhiên, có khoảng 30-35 tên lửa qua được hệ thống phòng thủ tên lửa và đánh trúng một số khu định cư, phá hủy một số công trình, làm chết và bị thương một số công dân Israel.

Rất tiếc, hiện không có những số liệu chính xác hơn nên rất khó đánh giá đúng tình hình. Tuy nhiên, các thông tin hiện có cũng cho thấy các hệ thống phòng thủ chống tên lửa Israel có hiệu quả khá cao.

Chúng có thể “bóc tách” những quả tên lửa nguy hiểm cho các thành phố ra khỏi những quả tên lửa "vô hại" và bắn hạ hầu hết những quả tên lừa nguy hiểm.

Tuy vậy, một số quả đạn vẫn xuyên qua được tuyến phòng thủ chống tên lửa. Đó là khoảng 3-4% tổng số những quả tên lửa được sử dụng. Tỷ lệ những quả tên lửa này trong số các quả tên lửa nguy hiểm cần đánh chặn sẽ cao hơn - có thể ước tính ở mức 10-15%,, hoặc nhiều hơn.

Như đã biết, trong hơn 10 năm trực chiến, các tổ hợp “Vòm sắt” đã đánh chặn thành công tổng cộng vài nghìn quả tên lửa của đối phương. Chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các thành phố trước các mối đe dọa đơn lẻ hoặc các loạt phóng tên lửa quy mô không lớn.

Đã nhiều lần các đại đội “Vòm sắt” đánh trả được các cuộc tấn công cường độ lớn và kéo dài. Trong những trường hợp này, hiệu suất đạt 85-90%, và cũng có một số tên lửa rơi xuống các thành phố gây tổn thất cho Israel.

Những thông tin tiếp cận được mấy ngày qua cho thấy tỷ lệ tên lửa bị đánh chặn và bắn trượt nhìn chung vẫn ở mức cũ.

Thành thử, sự gia tăng số lượng các mục tiêu không bị đánh chặn mà chúng ta đang thấy chủ yếu liên quan đến quy mô và cường độ tấn công. Địch phóng hàng trăm quả tên lửa, IDF đánh chặn phần lớn trong số đó, nhưng vẫn “bỏ sót” vài chục quả trong số đó.

Tỷ lệ rủi ro

Và như vậy, IDF có rất nhiều phương tiện hiệu quả để bảo vệ các khu vực đông dân cư trước các tên lửa không điều khiển của đối phương. Sự bảo vệ như vậy chưa đạt mức tuyệt đối một trăm phần trăm, và vẫn có thể xảy ra sai sót, và cùng với đó- cả những hậu quả bi thảm.

Tuy nhiên, thậm chi trong trường hợp 10-15 phần trăm quả tên lửa bị bắn trượt- dù sao vẫn tốt hơn nhiều so với việc không có hệ thống bảo vệ.

Hậu quả của vụ tên lửa đánh trúng một tòa nhà dân ở thành phố Sderot. Một đứa trẻ chết, mẹ bị thương nặng

Rất rõ ràng, đối phương hiểu quá rõ điều này, và vì vậy đã tổ chức các cuộc công kích kéo dài và ồ ạt. Nhờ vậy, có thể tạo được một mật độ hỏa lực dày đặc, giúp tăng số lần phóng thành công cả tính theo con số tương đối và tuyệt đối.

Thành thử, trong một khoảng thời gian ngắn hạn chế có gây ra mức thiệt hại tối đa có thể trong một tình huống như vậy- và sẽ tác động tiêu cực đến tinh thần của phía Israel.

Rất dễ hiểu- có thể ngăn chặn được sự tàn phá và chết chóc thông qua tiến trình hòa bình và đàm phán giải quyết tình hình trong khu vực - tuy nhiên, vì một số lý do, kịch bản hòa bình như vậy giữa Palestine và Israel hoàn toàn bị loại trừ.

Chính vì vậy, Israel sẽ nỗ lực hoàn thiện các tổ hợp có chức năng bảo vệ. Tổ hợp “Iron Dome” vừa mới được hiện đại hóa cách đây không lâu và dự kiến sẽ được hiện đại hóa tiếp ngay trong tương lai gần.

Tất cả mọi biện pháp trên đều nhằm mục đích duy nhất là tăng hiệu quả đánh chặn và nâng xác xuất bắn hạ mọi mục tiêu cần đánh chặn lên mức 100% .

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/vom-sat-israel-trong-chien-dich-nguoi-bao-ve-nhung-buc-tuong-3432190/