Vĩnh Phúc: Người phụ nữ cho chó ăn và bị cắn, 3 tháng sau phát bệnh dại tử vong

Bị cắn vào tay và vùng lưng khi đang cho chó ăn, không đi tiêm phòng 3 tháng sau một người phụ nữ ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc phát bệnh dại và tử vong thương tâm.

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Sông Lô cho biết, nạn nhân là chị N. T. P (SN 1985) trú tại xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, ngày 6/3/2023, chị P bị chó cắn, ngày 20/5, nạn nhân thấy người mệt mỏi, tức ngực, tê chân tay.

Ngày 22/5, bệnh nhân vẫn đi làm tại Công ty LT nhưng thấy người mệt mỏi, sau đó bệnh nhân gọi điện cho chồng đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến ngày 23/5, thấy tình trạng bệnh không đỡ, người nhà bệnh nhân xin chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị. Tại đây, bệnh nhân xuất hiện chứng co giật, hốt hoảng, sợ nước, sợ gió, sợ lửa, sợ tiếng ồn và làm xét nghiệm ngày 24/5 kết quả dương tính với bệnh dại. Cùng ngày, bệnh nhân được đưa về nhà và tử vong sau đó.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cách đây 3 tháng, bệnh nhân bị chó cắn vào tay và vùng lưng khi cho con vật ăn. Chị bị trầy xước vùng bản và cánh tay bên phải nhưng không đi tiêm phòng. Năm ngày sau con chó đã cắn đứt xích và chạy sang nhà hàng xóm với biểu hiện hung dữ nên bị người dân đánh chết.

Vĩnh Phúc người phụ nữ cho chó ăn và bị cắn, 3 tháng sau phát bệnh dại - (ảnh minh họa).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một bệnh do virus gây ra, hầu như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người.

Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Biện pháp duy nhất để giảm thiểu bằng cách rửa vết thương, tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả.

Đối với vết thương sâu, nhiều vết thương cùng một lúc, những vết thương gần thần kinh trung ương như đầu, mặt cổ, đầu các ngọn chi, bộ phận sinh dục cần phải tiêm phối hợp cả vaccine và huyết thanh kháng virus dại.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đồng Diệm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vinh-phuc-nguoi-phu-nu-cho-cho-an-va-bi-can-3-thang-sau-phat-benh-dai-tu-vong-172230525162036726.htm