Vĩnh Phúc đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao giá trị nông sản
Nhằm nâng cao giá trị nông sản nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã được người dân tại Vĩnh Phúc đầu tư và mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác, từ năm 2008 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chuyển đổi hơn 13.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị và thu nhập cao hơn như thanh long ruột đỏ, phật thủ, ớt, cây gai xanh lấy sợi, tía tô xanh... Qua đó hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn kết nông dân, doanh nghiệp; nhiều mô hình chuyển đổi có ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tuân thủ quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm gắn kết với doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Các mô hình chuyển đổi cho hiệu quả trung bình tăng từ 5-8 triệu đồng/ha, thậm chí có mô hình tăng 20 - 25 triệu đồng/ha..., đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác tăng từ 57,95 triệu đồng/ha năm 2008 lên 146 triệu đồng/ha năm 2023. Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích, hỗ trợ và nhân rộng chuyển đổi sang mô hình kinh tế hộ, kinh tế tuần hoàn, các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường nhằm tận dụng và khai thác triệt để, hiệu quả tài nguyên đất, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Từ diện tích đất khó canh tác, chị Văn Thị Yến, ở thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha lúa sang trồng dưa leo Nhật, dưa lưới theo phương thức luân canh gối vụ ứng dụng công nghệ cao. Tháng 4/2024, được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường, chị Yến đã triển khai trồng dưa lê Cẩm Ngọc trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích 1.000 m2, năng suất đạt 3 tấn, giá bán 35 nghìn đồng/kg, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Trước đây, trang trại của chị Yến chủ yếu trồng các loại rau cải, rau ngót, rau mồng tơi ở ngoài trời nên khi thời tiết thay đổi, cây trồng dễ mắc bệnh, mất mùa. Chị Yến đã chủ động tìm hiểu các mô hình hiệu quả và thay đổi tư duy sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, chị Yến đầu tư 6.000m2 nhà lưới, nhà kính trồng dưa leo Nhật, dưa lưới, nho sữa Hàn Quốc theo phương thức luân canh gối vụ, kết hợp mô hình trải nghiệm nông nghiệp; tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, từ đó, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Từ đầu năm 2024 đến nay, chị Yến trồng được 2.000 m2 dưa lê Cẩm Ngọc, 4.000m2 dưa lưới, sản lượng ước đạt 18 tấn, với giá bán 30 -35 nghìn đồng/kg đã đem về thu nhập hơn 550 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Học, Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp và dịch vụ thương mại Thanh Xuân (xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc), từ cuối năm 2020, công ty đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng 3 nhà màng trồng giống dưa Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trên giá thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; phân bón sử dụng cho cây là phân vi sinh, được hòa tan vào nước, tưới cho cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Người lao động tại đây cũng tuân thủ các điều kiện khử khuẩn trước khi vào chăm sóc cây trồng. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện trồng và chăm sóc, năm 2021, sản phẩm dưa lưới của công ty được UBND tỉnh cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo ông Học, dưa lưới là cây trồng ngắn ngày, dễ bị sâu bệnh khi gặp thời tiết bất lợi và mất mùa khi nắng, mưa thất thường. Khi trồng dưa lưới trong nhà màng sẽ giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, hạn chế sâu bệnh; đồng thời có thể trồng dưa quanh năm do không phụ thuộc vào thời tiết, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng và người tiêu dùng. Với quy mô trồng 5.000m2, sản lượng dưa ước đạt hơn 10 tấn/vụ, giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, mang lại doanh thu cho công ty từ 350 - 400 triệu đồng/vụ.
Bên cạnh đó, chị Đặng Thị Điệp, thôn Thụ Ích 3, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc cho biết, gia đình chị đã đầu tư phát triển mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ hiện đại. Trên diện tích 7,5ha mặt nước, gia đình chị Điệp đã thả, nuôi các loại cá truyền thống như trắm, chép, rô phi... Sau khi tìm hiểu thông tin trên sách báo, mạng Internet và tự học hỏi, chị đã mạnh dạn đầu tư 8 máy sục khí ô xy, 2 máy cho cá ăn tự động vào quá trình nuôi cá và tuân thủ quy trình nuôi cá sạch, xử lý môi trường nước bằng men vi sinh theo định kỳ nên năng suất, chất lượng cá bảo đảm.
Cùng với nuôi cá thâm canh, tận dụng diện tích đất vẫn còn trống của gia đình, chị Điệp tiếp tục trồng hơn 100 cây bưởi. Theo chị, bưởi là loài cây dễ trồng, kỹ thuật không đòi hỏi cao, chỉ cần chú ý chăm sóc sẽ cho thu hoạch tốt. Để nâng cao năng suất và chất lượng quả, ngoài sử dụng phân bón hữu cơ, gia đình chị còn đào rãnh thoát bước, để vào mùa mưa lượng nước thoát nhanh, tránh tình trạng vườn bị ngập lâu trong nước. Hiện 100 gốc bưởi đã mang lại thu nhập khá ổn định cho gia đình. Mỗi năm từ nuôi cá và trồng bưởi, gia đình chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Là một trong những hộ tiên phong đưa cây ba kích tím về trồng tại địa phương, sau 3 năm phát triển mô hình, gia đình chị Vũ Thị Nghĩa, thôn Yên Thích, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đã thu lợi nhuận khoảng 230 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình chị Nghĩa đã mở rộng diện tích lên 1ha, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, nhiều hộ xã Bắc Bình đã bắt đầu chuyển đổi sang trồng ba kích tím cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu lấy nhung
Bên cạnh đó, tại xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, người dân đã triển khai rất hiệu quả mô hình nuôi hươu lấy nhung. Anh Đỗ Mạnh Hùng, thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn (Lập Thạch- Vĩnh Phúc) cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, mô hình nuôi hươu lấy nhung ở xã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khai thác được nguồn tài nguyên và lao động tại chỗ; sản phẩm có giá bán cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, nuôi hươu lấy nhung là mô hình kinh tế tiềm năng, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân địa phương. Theo anh Hùng, năm 2023, anh đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 10 con hươu giống; hiện gia đình anh là hộ nuôi nhiều hươu nhất xã Quang Sơn. Trong thời gian nuôi huơu, anh tiếp tục tìm hiểu, học tập nhiều mô hình nuôi hươu ở các tỉnh khác để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Anh Hùng cho biết: “Nuôi hươu không quá vất vả, nhưng để hươu sinh trưởng tốt phải đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh tốt. Thức ăn của hươu chủ yếu là rau, cỏ, trái cây, tinh bột… đều là những nông sản có ở địa phương, nên chi phí thức ăn cho hươu không cao. Sau 1 năm, gia đình tôi thu lợi nhuận 170 triệu đồng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung. Hiện, tôi đã mở rộng chuồng trại, dự định đầu tư phát triển số hươu lên 20 con”.
Ông Nguyễn Tiến Việt ở xã Quang Sơn chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi nuôi 1 con hươu sinh sản và 4 con hươu lấy nhung. Tôi luôn đảm bảo các yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng và kiểm soát bệnh tật, nên đàn hươu phát triển tốt. Thông thường, hươu trưởng thành sau khoảng 6 tháng có thể cho thu hoạch đợt nhung đầu tiên và mỗi năm thu hoạch 2 đợt. Nếu chăm sóc tốt, mỗi con hươu cho thu hoạch từ 1,2 - 1,5 kg nhung/năm. Với giá bán 20 triệu đồng/kg nhung hươu như hiện nay, gia đình tôi thu lãi 15 - 17 triệu đồng/con/năm”.
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung, từ năm 2023, nhiều hộ dân xã Quang Sơn đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại và mua hươu giống về nuôi. Để hỗ trợ nhau chăn nuôi hươu đạt hiệu quả cao, tháng 6/2023, các hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn xã đã thành lập HTX chăn nuôi hươu Việt Hùng. Đến nay, HTX có 20 thành viên, chăn nuôi gần 40 con hươu, gồm cả hươu lấy nhung và hươu sinh sản. Từ khi đi vào hoạt động, Ban Giám đốc HTX đã tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hươu ở nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Hà Tĩnh… Đồng thời chú trọng tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ nhung hươu. Các thành viên HTX đã chia sẻ, hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi hươu, phương pháp chăm sóc hươu… HTX còn có cán bộ thú y đảm nhận công tác phòng, chống dịch bệnh cho hươu và kỹ thuật viên đảm nhận việc cắt nhung hươu. Qua 1 năm hoạt động, HTX đã thu hoạch và cung ứng ra thị trường gần 40 kg nhung hươu, thu về gần 800 triệu đồng. Trừ chi phí, các hộ chăn nuôi hươu đều thu lợi nhuận, có hộ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, HTX đã có kế hoạch phát triển thành viên và mở rộng thị trường để nâng cao hiệu quả của mô hình kinh tế tiềm năng này.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Từ đầu năm 2023, mô hình nuôi hươu lấy nhung trên địa bàn xã được nhiều người dân quan tâm và đầu tư chăn nuôi. Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi hươu đã tham gia HTX chăn nuôi hươu Việt Hùng. Sau hơn 1 năm thành lập, HTX chăn nuôi hươu Việt Hùng hoạt động hiệu quả, các thành viên đều có thu nhập. Chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân vay vốn đầu tư nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.
Việc thay đổi tư duy sản xuất từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học công nghệ đã giúp nông dân chủ động sản xuất, khắc phục tính mùa vụ, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã đem lại những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Qua đó tạo ra nông sản có giá trị kinh tế cao quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ nông dân đều có chung điểm nghẽn về vốn, cơ chế đầu tư của Nhà nước và sức cạnh tranh về giá của sản phẩm nông nghiệp sạch trên thị trường. Phần lớn các hộ nông dân vẫn tự tìm đầu ra cho sản phẩm và cung ứng cho khách lẻ đến vườn. Trong khi đó, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, biến đổi khí hậu, trong khi dân số ngày càng tăng đã đặt ra những thách thức rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2025, tỉnh xác định chuyển đổi số là một trong những chìa khó” quan trọng để giải bài toán nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, từng bước chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh hỗ trợ kết nối người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp với các sàn thương mại điện tử; xây dựng phần mềm sổ tay điện tử và kết nối cơ sở dữ liệu giúp nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tra cứu các quy trình kỹ thuật sản xuất, thủ tục hành chính, dự tính, dự báo và hướng dẫn phòng trừ sinh vật có hại đối với cây trồng... qua đó giúp nâng cao giá trị nông sản trên thị trường.
Theo Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc, hiện Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh đang quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ trên 2.000 tỷ đồng cho gần 45.000 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Cùng với các hoạt động giúp phụ nữ về vốn, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ có những tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ áp dụng quy trình VietGAP đạt hiệu quả cao, nhiều sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP như: Thanh long ruột đỏ Lộc Thúy Quỳnh, huyện Sông Lô; dưa chuột sạch An Hòa, huyện Tam Dương; nấm yến Phùng Gia, gạo ngon Phú Xuân, huyện Bình Xuyên; nấm sò, sữa chua, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, huyện Tam Đảo… góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh.