Vĩnh Phúc: Di tích lịch sử Quốc gia chùa Vĩnh Khánh xuống cấp nghiêm trọng, mòn mỏi đợi chờ tu bổ

Chùa Vĩnh Khánh thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) được xây dựng từ thời nhà Lý khoảng đầu thế kỷ thứ XI, là một công trình kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, di sản văn hóa vật thể có giá trị, được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cùng với tháp Bình theo Quyết định số 2367/QĐ – TTg, ngày 23/12/2015. Trải qua thời gian, di tích lịch sử này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, các cấu kiện của di tích bị hư hỏng nặng khó có thể phục hồi, nguy cơ biến thành phế tích ngày càng hiện hữu.

Mặt trước bên trái mái đình các cấu kiện đã sụp đổ, tạo ra lỗ hổng lớn được che đậy bằng bạt

Hiện nay, chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, mối mọt đánh rỗng bên trong các thân gỗ, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Năm 1986, chùa đã được trùng tu và tiếp tục từ năm 2008 - 2010, chùa được dặm dọi lại phần mái. Chính quyền địa phương đã huy động được từ nguồn xã hội hóa để trùng tu. Tuy nhiên, kinh phí còn quá ít nên chỉ khắc phục được phần nào. Năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho UBND huyện Sông Lô làm chủ đầu tư để triển khai dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh". Đến thời điểm hiện tại mới làm được nhà bao tôn để bảo vệ di tích, các phương án cụ thể tu bổ, tôn tạo vẫn chưa có.

Tượng phật bị nấm mốc, được phủ bằng các lớp bụi

Quan sát bên trong chùa toàn bộ phần mái đã bị mối mọt tạo ra nhiều khoảng trống được che đậy bằng bạt, gần 30 bức tượng phật bị mốc hư hỏng một phần do không được chăm nom. Phần gạch nát nền chùa bong tróc, vỡ nát, nấm mốc trắng gần 30 cột chính bị mối mọt rất ọp ẹp, các thanh gỗ phần ở đố trước của chùa được lắp ghép tạm bợ bằng những sợi sắt nhỏ đã hoen rỉ. Bia đá vứt chổng chơ, gãy vỡ làm đôi. Ngoài các hạng mục của chùa bị xuống cấp, hiện nay chùa được cơi nới thêm một gian để thờ cúng, gian thờ này được nối thêm từ gian đầu tiên bên tay phải, lợp bằng tôn cách nhiệt.

Hiện nay chùa đã được xây dựng nhà bao tôn

Chùa Vĩnh Khánh là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đã gắn bó lâu đời với đời sống văn hóa tâm linh của người dân Sông Lô. Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, trước đây, cứ đến ngày mùng 4 tháng Giêng và mùng 1 tháng 2 Âm lịch hàng năm là diễn ra lễ khai hạ tại đây. Cùng với đó, người dân địa phương đã chọn ngày 15 tháng Giêng hàng năm để tổ chức lễ hội chùa - tháp. Trong lễ hội, lễ rước kiệu được tổ chức trang trọng và sau phần lễ, phần hội được tổ chức phong phú với các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, cờ tướng, cờ người, chọi gà… đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tình trạng xuống cấp của di tích, những năm trở lại đây, lễ hội đã bị mai một, các hoạt động tín ngưỡng của người dân trong vùng không nhộn nhịp như những năm trước.

Phần trước của mái chùa hư hỏng nặng được gia cố bằng ni lông sơ sài

Việc tu bổ, tôn tạo chùa Vĩnh Khánh là rất, cấp thiết bởi trong việc bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc, sớm có nơi để nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, góp phần thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái hướng tới là địa chỉ du lịch tâm linh.

Văn bia chùa Vĩnh Khánh đã bị vỡ làm đôi

Các cột chính của chùa được gia cố bằng sắt hộp và cây chống tạm bợ

Phúc Vĩnh - Anh Tú

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc--di-tich-lich-su-quoc-gia-chua-vinh-khanh-xuong-cap-nghiem-trong-mon-moi-doi-cho-tu-bo-81570