Việt Nam thực hiện tốt cơ chế đánh giá, thực thi Công ước của LHQ về chống tham nhũng

Ngày 06/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC).

Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) và chính thức có hiệu lực từ 18/9/2009.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC về cơ chế đánh giá thực thi UNCAC và theo kết quả bốc thăm, Việt Nam là quốc gia được đánh giá việc thực thi UNCAC vào các năm 2011 - đánh giá Chu trình I đối với Chương III về Hình sự hóa và thực thi pháp luật và Chương IV về Hợp tác quốc tế và năm 2017 - đánh giá chu trình II đối với Chương II về Các biện pháp phòng ngừa và Chương V về Thu hồi tài sản.

Theo Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy, trong cả 2 chu trình đánh giá, Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy trình đánh giá theo Nghị quyết của Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC đặt ra. Riêng trong Chu trình đánh giá thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất việc chuẩn bị báo cáo tự đánh giá và hoàn thành các hoạt động đánh giá.

Về đánh giá kết quả thực thi, đại diện Ban Thư ký và các chuyên gia quốc tế đã ghi nhận, đánh giá rất cao về sự chuẩn bị công phu về thông tin, tài liệu và các phương pháp làm việc chuyên nghiệp từ phía các cơ quan của Việt Nam và cơ bản đồng thuận với các báo cáo quốc gia của Việt Nam

"Kết quả đánh giá của cả 2 chu trình cũng đã được thông tin rộng rãi tới các cơ quan nhà nước và toàn xã hội để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong phòng, chống tham nhũng (PCTN)", Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Hoạt động đánh giá thực thi UNCAC cũng đã tạo cơ hội để Việt Nam rà soát, hoàn thiện, nghiên cứu chính sách pháp luật, phát triển chất lượng, hiệu quả của việc thực thi pháp luật.

Trong những năm qua, công tác PCTN của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả. Công tác phòng ngừa được mở rộng, có sự điều chỉnh phù hợp để khắc phục hạn chế, yếu kém. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng được quan tâm và đẩy mạnh hơn trước và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, (TTCP) Trần Văn Mây cho biết,UNCAC là văn kiện quốc tế đầu tiên có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên ở phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đến nay, Công ước đã có 190 thành viên (189 quốc gia thành viên và một tổ chức thành viên) trên tổng số 193 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam ký kết UNCAC từ năm 2003 và chính thức phê chuẩn, tổ chức thực thi UNCAC từ năm 2009. Việc là thành viên chính thức của Công ước đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam về thực hiện các nghĩa vụ phát sinh, bao gồm: việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế phù hợp với các yêu cầu của Công ước (nâng cao mức độ tuân thủ, đặc biệt là đối với các yêu cầu mang tính bắt buộc); nâng cao nhận thức, trao đổi, cung cấp thông tin,cũng như tham gia vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Công ước, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia; tham gia vào Cơ chế đánh giá thực thi Công ước.

Theo ông Trần Văn Mây, trải qua hai chu trình đánh giá, Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong thực hiện cơ chế đánh giá thực thi Công ước. Điều này đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của không chỉ Ban Thư ký UNCAC mà cả các đối tác, các quốc gia thành viên khác.

Việc tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên, đặc biệt trong cơ chế đánh giá thực thi Công ước UNCAC góp phần thiết thực vào việc đánh giá những thành tựu, hạn chế, cơ hội, thách thức của Việt Nam trong đấu tranh PCTN, từ đó, có những điều chỉnh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN của Việt Nam trong thời gian tới. Đó cũng chính là mục tiêu cuối cùng của mỗi quốc gia khi tham gia Công ước mà Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao về về những kết quả thực hiện cơ chế đánh giá thực thi UNCAC. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong việc tham gia đánh gia cả hai chu trình.

Các đại biểu đều khẳng định, quá trình thực hiện cơ chế đánh giá thực thi UNCAC đã mang tới những cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan. Từ đó, giúp các chuyên gia hiểu biết thêm về quy trình, quy định pháp luật cũng như thực tiễn triển khai hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác, giúp tăng cường hiệu quả cho công tác chuyên môn, những bài học quý giá, cơ hội cọ xát, học tập và nâng cao năng lực trong quá trình làm việc với các đồng nghiệp quốc tế.

Hội nghị cũng đã tổ chức khen thưởng, biểu dương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đánh giá thực thi UNCAC.

LS

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/viet-nam-thuc-hien-tot-co-che-danh-gia-thuc-thi-cong-uoc-cua-lhq-ve-chong-tham-nhung-102231206162759612.htm