Việt Nam, Thái Lan và Lithuania: Những chuyến thăm khai phá tiềm năng

Cùng diễn ra trong hai ngày 25-26/10, các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Badiddha - Nukara và Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, được lấp đầy bởi những cam kết và thỏa thuận hợp tác tốt đẹp.

Ông Parnpree Badiddha - Nukara chọn Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên sang thăm chính thức kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng đầu tháng Chín. Ông Gabrielius Landsbergis là Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania đầu tiên thăm Việt Nam kể từ hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Ngoài yếu tố “đầu tiên” cho thấy các nước này coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam còn có một sự trùng hợp thú vị về thời điểm khi cả hai ông đều thăm Việt Nam từ ngày 25-26/10 và cùng có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2023 với chủ đề “Đầu tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD-Đông Nam Á”.

Điều này cũng có nghĩa là Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Bùi Thanh Sơn có hai ngày bận rộn khi đón tiếp cùng lúc hai vị khách từ hai châu lục khác nhau.

Người bạn thân thiết, đối tác quan trọng hàng đầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến thăm Việt Nam của ông Parnpree Badiddha-Nukara diễn ra không lâu sau khi ông được Nhà vua Thái Lan phê chuẩn vào vị trí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành khi trả lời phỏng vấn của TG&VN nhấn mạnh “ý nghĩa hết sức quan trọng và đặc biệt” khi đây là chuyến thăm đầu tiên của đại diện cấp cao trong Chính phủ mới của Thái Lan đến Việt Nam trong dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023).

Chuyến thăm tiếp tục khẳng định sự cam kết, quyết tâm của cả hai bên trong việc thực hiện Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027 và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Tại các cuộc tiếp và hội đàm với vị khách đến từ đất nước nụ cười, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đều hoan nghênh ông Parnpree đã chọn Việt Nam là nước đến thăm đầu tiên trên cương vị mới và đánh giá chuyến thăm lần này sẽ góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

Trao đổi về hợp tác song phương, hai bên bày tỏ vui mừng chứng kiến hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước ngày phát triển sâu rộng, thực chất trên cơ sở tôn trọng, tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi; trên cơ sở đó nhất trí tiến tới đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy và đưa quan hệ lên tầm cao mới; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế họp Nội các chung do hai Thủ tướng chủ trì.

Đánh giá cao việc Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ chín tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn.

Đề cập việc Thái Lan tạo điều kiện để thành lập Phố Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại tỉnh Udon Thani, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác để bảo tồn và phát huy giá trị các Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ngôi chùa Việt tại Thái Lan; hỗ trợ các chương trình giảng dạy tiếng Thái và tiếng Việt tại mỗi nước; khuyến khích xây dựng quan hệ hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương hai nước, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy giao lưu nhân dân và kết nối doanh nghiệp.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bày tỏ vui mừng lần đầu đến thăm chính thức Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Parnpree Badiddha-Nukara khẳng định Việt Nam là người bạn thân thiết và là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan ở khu vực. Đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thái Lan cho rằng hai nền kinh tế còn nhiều tiềm năng và dư địa để tăng cường hợp tác.

Bày tỏ mong muốn triển khai hiệu quả chiến lược “Ba kết nối” giữa hai nước, ông Parnpree Badiddha - Nukara nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và triển khai các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác về chính trị, kinh tế, du lịch, kết nối cả hàng không và đường bộ, giao lưu văn hóa, nhân dân…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Parnpree Badiddha - Nukara cho biết, các doanh nghiệp Thái Lan tin tưởng vào tiềm năng, môi trường đầu tư và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư Thái Lan trong triển khai các dự án tại một số địa phương của Việt Nam, trong đó có các dự án năng lượng. Chính phủ Thái Lan sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư tại Thái Lan.

Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ với nhau tại các cơ chế đa phương và khu vực; phối hợp với các nước ASEAN khác nhằm củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Dấu mốc quan trọng tạo xung lực mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis. (Nguồn: TTXVN)

Rõ ràng sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis tại Hà Nội là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Lithuania, như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc tiếp chiều 25/10. Tại cuộc hội đàm cùng ngày, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá chuyến thăm chắc chắn tạo xung lực mới tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với đối tác bạn bè truyền thống tại Trung Đông Âu.

Đến từ quốc gia có lịch sử lâu đời tại châu Âu (Lithuania chính thức xuất hiện trong lịch sử từ năm 1009), vị Bộ trưởng bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới. Lithuania luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, đối tác ưu tiên tại Đông Nam Á.

Đối với nhiều người Việt Nam, Lithuania không phải là một cái tên quen thuộc như một điểm đến du lịch hay du học phổ biến. Quốc gia nhỏ bé (diện tích chỉ 65.301 km2 và dân số khoảng 3,3 triệu người) song phải khiến bất cứ ai cũng phải “ngước nhìn” với rất nhiều thành công trong quá trình hội nhập, chuyển đổi kinh tế, dịch vụ công, ứng dụng công nghệ và nghiên cứu ứng dụng năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis, ngày 25/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Như “bật mí” của Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan kiêm nhiệm Lithuania Nguyễn Hùng, vùng đất được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp” tại châu Âu xếp thứ bảy về tiêu chuẩn chính phủ điện tử tại “lục địa già” và các công ty công nghệ thu được khoảng 99% doanh thu từ nước ngoài, đóng góp quan trọng nhất vào GDP.

Bất ngờ hơn, Lithuania đang xây dựng một khuôn viên công nghệ lớn hàng đầu châu Âu tại thủ đô Vilnius, hướng tới trở thành thủ đô công nghệ mới của vùng Baltic, trị giá 100 triệu Euro, trải rộng 55.000 m2 và thu hút 5.000 nhân viên. Hiện Lithuania có hơn 600 chương trình học được giảng dạy bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu, các cơ sở giáo dục đại học lâu đời, chương trình liên tục đổi mới với giá cả phải chăng...

Chính vì thế, dễ hiểu vì sao các nội dung hợp tác về công nghệ cao, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo cùng với nông nghiệp, văn hóa - du lịch... được nhấn mạnh trong các cuộc gặp. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Lithuania đánh giá đất nước hình chữ S là một trong những thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á; đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng nông nghiệp của Lithuania như thịt bò, gia cầm, trứng, phân bón... vào thị trường Việt Nam.

Để tạo chất xúc tác cho các hoạt động hợp tác sâu hơn, hai Bộ trưởng nhất trí cần thúc đẩy sớm trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, tiếp tục duy trì cơ chế tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, phối hợp triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ vừa được ký kết trong chuyến thăm lần này.

Trên bình diện đa phương, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, ASEM và ASEAN-EU...

Với GDP 75,88 tỷ USD (2022), Lithuania - một thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu, là nền kinh tế lớn nhất trong các nước Baltic. Đặc biệt, quốc gia nhỏ bé xinh đẹp này đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đều bày tỏ sự ủng hộ của Lithuania và đề nghị thúc đẩy các nước thành viên còn lại của EU sớm thông qua EVIPA, cũng như đóng góp tiếng nói ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phát triển nghề cá bền vững và thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam.

* * *

Chuyến thăm “chào hỏi” quốc gia ASEAN láng giềng của ông Parnpree Badiddha - Nukara diễn ra chỉ gần hai tháng sau khi được bổ nhiệm cương vị mới (tháng 9/2023). Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis diễn ra không lâu sau khi Lithuania “trình làng” Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (tháng 7/2023).

Trong bối cảnh đó, hai chuyến thăm chính thức diễn ra cùng một thời điểm cho thấy sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hơn nữa với Việt Nam của quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á cũng như của quốc gia vùng Baltic.

Thông qua việc đón tiếp hai vị khách quý này, Việt Nam tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, mở ra những xung lực và cơ hội mới để tranh thủ sự hỗ trợ và nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á lần thứ hai và các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2023 diễn ra từ ngày 26-27/10 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Việt Nam chủ trì tổ chức các hoạt động này với tư cách đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ 2022-2025. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á.

Viết Chung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-thai-lan-va-lithuania-nhung-chuyen-tham-khai-pha-tiem-nang-247514.html