Việt Nam tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch

Việt Nam đang trong tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch với tốc độ ngày càng nhanh và được coi là quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi năng lượng sạch ở Đông Nam Á.

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Shubham Rai trong bài viết “Chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” đăng trên website của Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột (IDSA), Ấn Độ.

Bài viết nhận định, Việt Nam có công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió lớn nhất Đông Nam Á, vượt qua Thái Lan vào năm 2019. Trong 4 năm qua, Việt Nam đã tăng mạnh công suất điện mặt trời và điện gió. Tỷ trọng điện mặt trời trong sản xuất điện gần như bằng 0 vào 4 năm trước đã tăng lên 11% năm 2021. Tổng công suất điện mặt trời đạt 16.500 MW vào năm 2020, cao hơn nhiều so với mục tiêu 850 MW.

Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới. Trong khi đó, công suất lắp đặt điện gió cũng tăng nhanh, đạt 600 MW vào cuối năm 2020, đứng thứ 2 sau Thái Lan trong số các nước Đông Nam Á. Việt Nam có tiềm năng lớn về thủy điện và hiện thủy điện chiếm 33% tổng sản lượng điện.

Theo Shubham Rai, Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều kế hoạch khác nhau để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Trong các chính sách, đáng chú ý nhất là chiến lược phát triển quốc gia, chương trình biểu giá điện hỗ trợ (FiT) và quy hoạch phát triển điện quốc gia.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió

Kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia, triển vọng năng lượng cơ bản của đất nước được xây dựng 10 năm/lần. Kế hoạch gần đây, được đưa ra năm 2021 và áp dụng đến năm 2030, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi. Kế hoạch này đưa ra một danh sách biện pháp khuyến khích để tăng cường chuyển đổi năng lượng sạch, như miễn thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu thô, thiết bị và sản phẩm năng lượng sạch hoàn chỉnh. Hơn nữa, Việt Nam cũng hạ lãi suất cho vay đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Shubham Rai cũng đề cập đến các ưu đãi chính sách lớn khác bao gồm miễn hoặc giảm thuế cho thuê và sử dụng đất cho các dự án điện mặt trời và điện gió. Thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu cần thiết làm nguyên liệu đầu vào để lắp đặt các nhà máy điện mặt trời cũng được miễn thuế.

Tháng 12-2022, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng trị giá 15,5 tỉ USD với đối tác nước ngoài, bao gồm Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, nhằm đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Theo kế hoạch đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 60 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030 và dự kiến đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

Tuy nhiên, theo bài viết “Chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, hệ thống năng lượng của Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức, trong đó có hiểm họa khí hậu như bão và lũ lụt. Trong thập niên qua, Việt Nam chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang một nước nhập khẩu năng lượng, gây ra những lo ngại về an ninh năng lượng. Để Việt Nam tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam phải giải quyết những thách thức đó một cách hiệu quả.

Võ Long

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-tang-toc-chuyen-doi-nang-luong-sach-682662.html