Việt Nam sẽ xây dựng mạng lưới quan trắc về đa dạng sinh học

Giai đoạn 2025-2030, Việt Nam sẽ thực hiện quan trắc đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn thiên nhiên có danh hiệu quốc tế. Từ sau 2030, mở rộng quan trắc các khu bảo tồn thiên nhiên trong nước và các hành lang đa dạng sinh học.

Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là lần đầu tiên, Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường đưa vào nội dung quan trắc đa dạng sinh học trong bối cảnh đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, từ 2025-2030 sẽ ưu tiên triển khai quan trắc tại các khu bảo tồn thiên nhiên có danh hiệu quốc tế.

Từ 2031-2045 sẽ hướng tới triển khai đồng bộ tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc theo lộ trình và các chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học.

Việt Nam sẽ tiến hành quan trắc đa dạng sinh học. Trong ảnh là cá thể cầy vằn được ghi nhận tại VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bằng phương pháp bẫy ảnh. Đây là một trong những loài cầy quý hiếm nhất thế giới. Ảnh: WWF Việt Nam.

Từ 2045-2050 mở rộng quan trắc các hành lang đa dạng sinh học và các khu vực đa dạng sinh học cao được thành lập, thuộc Danh mục Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc quan trắc sẽ được thực hiện theo tần suất một đợt/năm. Nội dung quan trắc thực hiện theo các chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học quy định tại Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Để triển khai nhiệm vụ trên, Quyết định của Thủ tướng đưa ra giải pháp tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị hiện trường, công cụ, công nghệ phục vụ hoạt động quan trắc đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, ưu tiên hệ thống thông tin địa lý, các bản đồ và ảnh viễn thám, thiết bị bẫy ảnh, bẫy âm thanh, thiết bị định vị vệ tinh và các giải pháp công nghệ mới trong thu nhận, truyền dẫn, xử lý dữ liệu thông minh nhằm tối ưu hóa truyền dẫn, khai thác, sử dụng dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học.

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỉ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa, một số loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc xây dựng mạng lưới quan trắc sẽ góp phần quan trọng vào giám sát hiện trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam để có giải pháp bảo tồn hiệu quả.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viet-nam-se-xay-dung-mang-luoi-quan-trac-ve-da-dang-sinh-hoc-post1619883.tpo