Việt Nam qua cửa sổ con tàu: Hành trình quê hương của Hoàng Khánh Duy

Tập bút ký Việt Nam qua cửa sổ con tàu (Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành tháng 5-2024) của Hoàng Khánh Duy mang đến cho người đọc hành trình chu du thú vị qua nhiều tỉnh, thành - những địa phương mà tác giả từng đặt chân tới - để khám phá và trải nghiệm.

“Sớm mai đây qua ô cửa con tàu

Lúa chín vàng, những nếp nhà khói tỏa

Những nụ cười trên màu da rám nắng

Những rạng ngời lấp lánh từ tâm

Sớm mai này con thức giấc, Việt Nam!...

Con thấy mẹ vẫy tay chào Tổ quốc

Bóng dáng cha khẽ áp tai vào đất

Đất trở mình, mảnh đất dấu yêu ơi!”

Đó là những câu thơ Hoàng Khánh Duy viết từ những chuyến du ngoạn trên các con tàu nối liền hai đầu đất nước Việt Nam. Khánh Duy chia sẻ trong tập ký Việt Nam qua cửa sổ con tàu rằng “nơi nào đi qua cũng là để thương, để nhớ trong lòng”.

Hoàng Khánh Duy viết bút ký ca ngợi vẻ đẹp quê hương.

Hoàng Khánh Duy viết bút ký ca ngợi vẻ đẹp quê hương.

Đi và khám phá

Đi đến đâu, Khánh Duy cũng hăm hở “ngắm cảnh quê mình, tìm hiểu đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, thưởng thức những món ăn ngon, khám phá vẻ đẹp…”. Để rồi, tác giả cảm nhận: “Đất nước nép mình bên bờ sóng, duyên dáng và tươi đẹp, hiên ngang và kiêu hãnh. Bất cứ nơi nào trên đất nước mình cũng đẹp, trù phú, ẩn chứa bề dày truyền thống văn hóa được kiến tạo, giữ gìn qua bao năm tháng”.

Trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần, Hoàng Khánh Duy cho biết, anh rất đam mê đi tàu để đến được nhiều tỉnh, thành cả nước, dẫu cho bây giờ đi máy bay có thể tiện lợi hơn rất nhiều về thời gian, giá vé lại không quá cao.

Khánh Duy đưa mẹ và cô ruột đi tham quan Côn Đảo.

Khánh Duy đưa mẹ và cô ruột đi tham quan Côn Đảo.

Tác giả tâm sự: “Thuở nhỏ tôi biết đến con tàu thông qua văn học, đặc biệt là thơ ca. Từ đó khát khao chu du quê hương bằng tàu. Mỗi lần đến sân ga, tôi có những cảm xúc đặc biệt. Tôi may mắn không bị say tàu, đặc biệt thích thú với thanh âm, sự rung lắc khi tàu chạy trên đường ray, tiếng còi tàu, những toa tàu có nhiều hành khách nói giọng điệu vùng miền khác nhau. Dĩ nhiên tôi thích nhất là được ngắm cảnh qua ô cửa tàu cả hai bên để nhìn trọn vẹn phong cảnh và tận hưởng chuyến đi theo cách của mình”.

“Cảm ơn má tôi và người yêu dấu luôn đồng hành trên mỗi chuyến đi, giúp tôi có những bức ảnh ưng ý, kỷ niệm lưu dấu một thời đam mê xê dịch đầy hạnh phúc” - tác giả HOÀNG KHÁNH DUY bày tỏ.

Du lịch để trưởng thành

Khánh Duy cho hay, anh có thói quen đi du lịch một mình hoặc đi cùng với mẹ. “Đi một mình hay đi với má đều có những thú vị đặc biệt. Đi một mình, tôi học cách trưởng thành, bản thân “lăn xả, bụi bặm” hơn, tự do trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Khi đưa má cùng đi chơi, tôi làm “hướng dẫn viên” giới thiệu cho má cảnh đẹp và hai má con hạnh phúc vô cùng vì mỗi cung đường đi qua đều có thêm kỷ niệm đẹp nhất”.

Khánh Duy tiết lộ, anh có cách du lịch, tận hưởng vẻ đẹp vùng miền riêng để có thể viết du ký, tản văn sống động và sâu lắng. Đó là “hay tìm đến các di tích, địa danh gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc, những “chỉ dẫn” có gắn với văn học - nghệ thuật để học hỏi, thu thập nhiều tư liệu quý giá, mở rộng tầm mắt tri thức và trưởng thành chứ không chỉ đi để “check-in” chụp ảnh”.

Tác giả kể: “Đôi khi vì một địa điểm nào đó được nhắc đến trong văn học như làng Vũ Đại - vốn là làng Đại Hoàng ở Hà Nam chẳng hạn, hay một câu hát nào đó như “Phố núi cao phố núi mờ sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn” (viết về Pleiku) mà tôi lặn lội tìm đến tận nơi để cảm nhận, rồi sẻ chia kỷ niệm chuyến đi bằng bài viết ghi lại hành trình đã qua”.

Việt Nam qua cửa sổ con tàu là quyển sách thứ 21 trong 8 năm cầm bút của thạc sĩ văn học Hoàng Khánh Duy. Tác giả sinh năm 1997 tại Cà Mau, là Hội viên Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ. Các tác phẩm đã xuất bản của anh khá đa dạng về chủ đề, thể loại như: truyện ngắn, bút ký, truyện dài, công trình chuyên khảo, lý luận phê bình văn học…

Tự hào và mong mỏi

Hoàng Khánh Duy cho biết, anh có dịp đi chuyến tàu Thống Nhất trọn vẹn hành trình suốt từ Nam ra Bắc trong năm 2023. “Điều đọng lại trong tôi chính là Việt Nam đẹp quá, cảnh sắc phong phú, đa dạng, từ kỳ vĩ đến thơ mộng. Mỗi vùng miền có dáng dấp “trầm tích văn hóa” rất riêng. Người Việt mình ở đâu cũng thân thiện và nhân hậu, hay nở nụ cười giúp đỡ du khách”.

Viết tập ký Việt Nam qua cửa sổ con tàu, Khánh Duy hy vọng sách sẽ góp phần lan tỏa tình yêu quê hương đến các bạn trẻ. Anh bày tỏ, Tổ quốc còn rất nhiều địa danh, đền đài thánh quách, cội nguồn ngọn núi, dòng sông... rất đẹp và nhiều ý nghĩa mà các bạn trẻ chưa tìm đến trải nghiệm, tận hưởng. “Hãy đi, khám phá và chung tay lan tỏa vẻ đẹp của quê hương bằng những cách khác nhau” - tác giả “đặt hàng” với những người trẻ. Với riêng mình, Khánh Duy cho hay, anh “sẽ còn đi và tiếp tục đi nhiều lần trên những con tàu nối liền hai đầu đất nước để khám phá quê mình. Những cung đường gió bụi vẫn hấp dẫn bước chân tôi”.

Đồng Nai đẹp như tranh

Hoàng Khánh Duy chia sẻ: “Năm 2018, tôi đã đến Đồng Nai một lần cùng với đoàn văn nghệ sĩ Cần Thơ và có những kỷ niệm đẹp bên dòng sông Đồng Nai, tham quan Khu du lịch Bửu Long, di tích Đá Ba Chồng, đặc biệt là nghỉ 3 đêm liền tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Trong mắt tôi, Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung rất đẹp. Tôi nhớ khoảnh khắc xe chạy trên con đường hai bên là những rừng cây cao su được trồng thẳng tắp, tán lá xanh mướt. Tôi thấy Đồng Nai như một bức tranh vậy.

Nhiều lần đi tàu ngang qua địa phận Đồng Nai, tôi vẫn thường đứng bên ô cửa con tàu để ngắm nhìn cảnh sắc hai bên đường ray, nghe tiếng loa trên tàu vang lên những bài hát ngợi ca Tổ quốc, lòng rất đỗi tự hào. Chắc chắn tôi sẽ trở lại Đồng Nai để có nhiều trải nghiệm sâu sắc hơn nữa”.

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/viet-nam-qua-cua-so-con-tau-hanh-trinh-que-huong-cua-hoang-khanh-duy-4344718/