Việt Nam – Nepal: Thúc đẩy quan hệ thương mại thực chất hơn

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli sẽ thăm chính thức Việt Nam và tham dự Đại lễ phật đản (Vesak) Liên hợp quốc từ ngày 9 -13/5/2019. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước đi vào thực chất hơn trong thời gian tới.

Nepal và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/5/1975. Kể từ đó đến nay, hai bên thường xuyên duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị cho đến thương mại. Cụ thể, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn doanh nghiệp, ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa hiệp hội thương mại hai nước. Đặc biệt, với sự thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Nepal – Việt Nam và bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam đầu tiên tại Nepal, đã góp phần gia tăng các hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2019 (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, kim ngạch thương mại hai chiều từ năm 2016, 2018 trung bình đạt từ 40 – 41 triệu USD. Riêng năm 2017 đạt 97 triệu USD (theo số liệu của Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Kathmandu). Trong đó, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nepal gồm: hạt tiêu, chất dẻo, nước uống đóng chai, sản phẩm hóa chất, máy vi tính, điện tử, cơm dừa, cao su, gạo, linh kiện ô tô, sản phẩm dệt may, hàng đông lạnh... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nepal với số lượng rất ít nguyên liệu dệt may, da và giày.

Về du lịch, lượng người Việt Nam đi du lịch Nepal có xu hướng ngày càng tăng, thông qua các loại hình như du lịch hành hương, tâm linh, leo núi và mạo hiểm.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Việt Nam và Nepal có mối quan hệ tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam có tính cạnh tranh cao và xuất khẩu sang Nepal bên cạnh các mặt hàng nông sản truyền thống hiện nay.

"Hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo. Tại Nepal cũng đã có các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh nhưng vẫn chỉ là con số rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước" - TS.Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Vì vậy, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu khi trình thư ủy nhiệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Tổng thống Nepal vào tháng 3/2019 đã bày tỏ mong muốn, hai bên sớm ký Bản ghi nhớ miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, thiết lập cơ chế tham khảo chính trị và các cơ chế hợp tác khác về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, hàng không để tạo cơ sở pháp lý và tiền đề vững chắc, thúc đẩy hơn nữa hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả.

Hiện, Nepal đang kêu gọi đầu tư 2.000 lĩnh vực kinh doanh: giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch, khai khoáng, giáo dục, y tế… Đồng thời, thủy điện cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khi Nepal đang sở hữu nguồn tài nguyên nước lớn so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Chính phủ Nepal cũng đã xây dựng Luật đầu tư 1992 sửa đổi trong năm 2019 để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và luật đặc khu kinh tế. Đặc biệt, Nepal có thị trường lớn 2,6 tỉ người ở Trung Quốc, Ấn Độ, và không giới hạn hạn ngạch; đồng thời, 8.000 dòng sản phẩm miễn thuế vào Trung Quốc; chưa có nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài nên cạnh tranh không cao, nhà đầu tư có thể đầu tư vốn 100% vào Nepal sau vài năm, có thể rút vốn về nước; chính sách cấp visa rất tiện lợi chỉ cần điền thông tin mẫu gửi Đại sứ quán hoặc nộp tại cửa nhập cảnh khi đặt chân đến Nepal… Đây chính là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Nepal.

Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa – du lịch cũng là một trong lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Việt Nam và Nepal có nhiều nét tương đồng về tín ngưỡng và văn hóa. Phần lớn người dân Nepal là tín đồ Phật giáo và Việt Nam cũng vậy. Phần lớn du khách Việt Nam đến Nepal đều đến thăm Lâm Tỳ ni - nơi sinh của Đức Phật và tham gia các hoạt động du lịch văn hóa và tâm linh, du lịch mạo hiểm khác như leo núi… Ở Nepal cũng có rất nhiều tu viện, chùa chiền bảo tháp Phật giáo trên khắp đất nước, rất phù hợp với du lịch văn hóa tâm linh. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước phát triển.

Được biết, sắp tới, Nepal sẽ nhanh chóng xây dựng một sân bay quốc tế để thúc đẩy xúc tiến thương mại và du lịch.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-nepal-thuc-day-quan-he-thuong-mai-thuc-chat-hon-119236.html