Việt Nam - Đức: Kỷ niệm 30 năm hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tài chính
Tối ngày 1/11, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ cùng với các đối tác tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác Việt - Đức trong lĩnh vực kinh tế, tài chính.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lao động Thương binh và Xã hội, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner.
Năm 2023, ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực kinh tế, tài chính.
Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Đức đã trở thành bạn đồng hành của Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế đất nước .
Trên hành trình trải dài suốt 3 thập kỷ đó, Chính phủ Đức cùng với Liên minh châu Âu trong một số giai đoạn đã luôn tích cực hỗ trợ Việt Nam thông qua các sáng kiến hợp tác kỹ thuật giữa GIZ và các đối tác Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Guido Hildner khẳng định: Chúng ta bắt đầu hợp tác hỗ trợ cải cách nền kinh tế, ngân sách nhà nước và hệ thống ngân hàng từ những năm 90. Những cải cách này là cần thiết để phát triển nền kinh tế thị trường. Kinh nghiệm của chúng tôi cũng đã góp phần giúp Việt Nam giải quyết thành công những cải cách này. Ví dụ như sự hỗ trợ nhằm tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng Luật Ngân sách Nhà nước với quyền tự chủ hơn trong lập kế hoạch tài chính ở cấp địa phương và tạo ra một hệ thống ngân hàng tư nhân độc lập hơn để đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Hợp tác trong giai đoạn đầu gồm 3 lĩnh vực ưu tiên gồm cải cách kinh tế, cải cách chính sách ngân sách nhà nước và cải cách hệ thống ngân hàng. Sự hợp tác này đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt góp phần xây dựng khung pháp lý cơ bản cho sự hình thành nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ: Trong hơn 10 năm hoạt động, các dự án trên đã hỗ trợ cho các cơ quan đối tác Việt Nam nâng cao năng lực, từng bước đóng góp cho quá trình xây dựng khung pháp lý vững chắc cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Khuyến khích Đầu tư trong nước, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng; cũng như nhiều đề án, báo cáo trình Chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế, như Đề án “Đổi mới công tác kế hoạch hóa”, Đề án “Phân cấp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư”.
Những kết quả này đã góp phần tạo dựng và củng cố nền tảng kinh tế thị trường của Việt Nam, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản lý ngân sách phù hợp với kinh tế thị trường và thực sự hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp ở Việt Nam.
Bước sang giai đoạn hội nhập kinh tế, khi Việt Nam chính thức tham gia WTO, để nâng cao hiệu quả thông qua phối hợp chặt chẽ giữa các dự án, từ năm 2005 ba dự án đã được ghép lại thành “Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô”. Chương trình hợp tác này đã mang lại những kết quả rõ nét, như hỗ trợ phân cấp hiệu quả, huy động sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội vào quá trình quy hoạch, quy định chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung pháp lý, chính sách và công cụ hoạt động cho ngân hàng trung ương hiện đại và thiết lập cơ chế, tổ chức giám sát ngân hàng…Đồng thời, chương trình cũng hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng Luật thuế Bảo vệ môi trường đầu tiên của Việt Nam.
Từ 2015-2026, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức và Liên minh châu Âu đồng tài trợ được triển khai nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chiến lược này không những đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển ở Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Trong khuôn khổ chương trình này, GIZ tiếp tục đồng hành cùng các đối tác Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia. Chương trình cũng hỗ trợ giám sát và đánh giá các mục tiêu Tăng trưởng xanh và Mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện cải cách khu vực tài chính xanh và lồng ghép các khía cạnh xã hội vào quá trình chuyển đổi kinh tế. Trong đó nguồn lực sẽ được dành đáng kể để xây dựng khung chính sách pháp lý và các công cụ để huy động nguồn lực tài chính xanh từ khu vực công và khu vực tư nhân quốc tế và trong nước như: Đầu tư xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Có thể thấy rằng sự hợp tác của Đức đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam.
“Sự hợp tác này cũng là một ví dụ nổi bật về tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Đức. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Việt Nam, Liên minh Châu Âu và tất cả các đối tác Việt Nam và quốc tế vì cam kết đưa quan hệ đối tác của chúng ta trong 30 năm qua trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác tin cậy và lâu dài”- Đại sứ Guido Hildner nhấn mạnh.