Việt Nam - Điểm sáng trong thực hiện công ước quốc tế về quyền con người

Trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của nhân dân. Những thành tựu của Việt Nam không chỉ được nhân dân ghi nhận, mà còn được các tổ chức, quốc gia trong cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo quyền được tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Trong ảnh: Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung - Nét đẹp văn hóa của tôn giáo Cao Đài. Ảnh: Lê Tấn Phát

Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo quyền được tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Trong ảnh: Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung - Nét đẹp văn hóa của tôn giáo Cao Đài. Ảnh: Lê Tấn Phát

Nhân quyền, hay quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và được pháp luật bảo vệ. Quyền con người như một lẽ tự nhiên tất yếu sinh ra mà con người vốn được hưởng thụ, trong đó có những quyền phổ quát như quyền sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được bình đẳng... Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm lịch sử và văn hóa, quyền con người được cụ thể hóa để phù hợp với mỗi quốc gia, dân tộc.

Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định và bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống. Hệ thống pháp luật của Việt Nam được xây dựng theo văn hóa của dân tộc và có tính tương thích với chuẩn mực của quốc tế. Điều này, đã được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, Việt Nam luôn được đánh giá cao về việc bảo đảm tối đa quyền con người. Chính vì vậy, Việt Nam đã vinh dự 2 lần được cộng đồng quốc tế giới thiệu và bình chọn vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy, từ những ngày đầu lập nước, trong bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Khi vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc, Trung ương Đảng và Bác Hồ vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống của nhân dân, Người đã phát động, phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chủ trương và đường lối nhân văn vì nhân dân, hợp lòng dân đã được đồng bào và chiến sĩ cả nước hưởng ứng, đưa dân tộc Việt Nam qua cơn hoạn nạn.

Trải qua những biến cố của lịch sử, đất nước oằn mình chống giặc ngoại xâm rồi tiến lên hòa nhập vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu cao nhất là tôn trọng và bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Chính vì thế mà Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Lần đầu tiên, Hiến pháp viết hoa chữ “Nhân dân” đã nâng lên một bước vai trò và quyền lợi của nhân dân và một lần nữa khẳng định bản chất nhà nước Việt Nam là từ nhân dân và vì nhân dân và tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Thế nhưng, bất chấp những thành tựu của Việt Nam, nhiều người vẫn luôn có thái độ hằn học khi rêu rao, tuyên truyền cho rằng, Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ở tận một nơi nào đó, họ vẫn cho mình cái quyền áp đặt, vu khống Việt Nam chúng ta là mất dân chủ, không có nhân quyền, họ lớn tiếng tố cáo Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo, không có tự do ngôn luận, báo chí...

Thực tiễn như một lời tuyên bố đanh thép, chứng minh rằng, nhân dân Việt Nam đã được thực hiện đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở Việt Nam, nhân dân là người quyết định mọi công việc của đất nước, mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội, phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra, dân thụ hưởng được triển khai sâu rộng đến từng người dân trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội.

Người dân thuộc các dân tộc khác nhau được tạo điều kiện tối đa để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân thuộc các dân tộc khác nhau được tạo điều kiện tối đa để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Bích Nguyên

Quan điểm cho rằng, Việt Nam không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí rõ ràng là nhận định chủ quan của những người không thiện ý. Sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam. Thời gian gần đây, báo chí đã đóng vai trò quan trọng phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, một chính quyền trong sạch và một Nhà nước minh bạch, một Chính phủ kiến tạo, hành động.

Sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, bộ mặt đất nước đã hoàn toàn đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục có nhiều điểm sáng. Việt Nam nằm trong số các quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tổng thư ký Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2007-2016) Ban Ki-moon đánh giá: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Hằng năm, du khách quốc tế, bạn bè năm châu đến Việt Nam, trong đó có những người cựu binh đã từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam đến tham quan, du lịch đều nhìn thấy sự thật: Con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, đất nước Việt Nam đi ra từ khói lửa, chiến tranh đã thay da, đổi thịt, cuộc sống được hồi sinh và phát triển. Dù còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều chính sách cần được tháo gỡ, đời sống của nhân dân chưa thật sự sung túc, khá giả, song, Việt Nam đã đạt được điều mà nhiều quốc gia khác cần học tập và hướng tới, đó chính là môi trường chính trị, xã hội ổn định, nhân dân được thụ hưởng cuộc sống hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn và quan trọng hơn cả là nhân dân thật sự là chủ nhân của đất nước.

Năm tháng vẫn trôi qua và theo quy luật vận hành của thời gian, những điều giản dị trên đất nước Việt Nam là ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành đã và đang được khẳng định và ngày càng thể hiện rõ nét. Những người có lương tâm, biết trân trọng cuộc sống con người thì xin hãy đừng làm những điều sai trái, đừng đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phủ nhận những giá trị của lịch sử, điều đó chỉ làm cản trở sự phát triển tiến bộ của xã hội. Chắc chắn rằng, những gì thực tế đang diễn ra tại Việt Nam, với những điều mắt thấy, tai nghe sẽ kiểm định rõ ràng đâu là những thông tin thật - giả, phải - trái, trắng - đen.

Trường Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-diem-sang-trong-thuc-hien-cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-con-nguoi-post484301.html