Việt Nam đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin

Những năm qua, có những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền con người để vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận. Mục đích của những hành vi này nhằm can thiệp vào tình hình nội bộ Việt Nam, làm suy giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, kích động để người dân chưa hiểu biết đúng đắn pháp luật, chưa có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ mất niềm tin, chống đối Đảng và Nhà nước.

Các thế lực thù địch thông tin vu cáo về tự do báo chí ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch thông tin vu cáo về tự do báo chí ở Việt Nam.

Mới đây, ngày 4-5, trang V. đăng thông tin vu cáo “Việt Nam vẫn là quốc gia “tệ nhất” về tự do báo chí”.

Quyền tự do báo chí không phải là quyền tuyệt đối

Theo Sổ tay phóng viên về quyền con người của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông, trên bình diện pháp luật quốc tế, quyền tự do báo chí được hiểu là một khía cạnh của quyền tự do biểu đạt, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế. Chẳng hạn như khoản 2, Điều 19 Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) có nêu: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới và hình thức truyền thông tùy theo sự lựa chọn của họ.

Việt Nam luôn đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân, cũng như đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhân dân và điều quan trọng là các quy định của Việt Nam trên lĩnh vực này phù hợp với pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, quyền tự do báo chí không phải là quyền tuyệt đối. Theo khoản 3, Điều 19 Công ước ICCPR, việc thực hiện quyền tự do báo chí không phải là quyền tuyệt đối. Các hạn chế này phải đáp ứng các yêu cầu: Phải được pháp luật quy định, là cần thiết nhằm bảo vệ quyền hoặc uy tín của người khác, hoặc bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức.

Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí của công dân và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được Luật Báo chí năm 2016 quy định cụ thể ở điều 10 và 11.

Luật này cũng quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”; “báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ”.

Song luật cũng nêu rõ: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Những quy định này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Đối với một số trường hợp lợi dụng tự do ngôn luận và có những hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng quy định. Một số tổ chức, cá nhân thiếu khách quan khi nhận định tình hình thực tiễn, từ đó vu cáo Việt Nam về vấn đề này.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII-2023 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 2-2024, Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH đề nghị: “Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tôi trân trọng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên tập trung tuyên truyền, phản ánh những giá trị lý luận, quan điểm đổi mới của Đảng và quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tăng cường hơn nữa các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cá nhân tiêu biểu; những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo; đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên”.

Các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin

Không chỉ đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Việt Nam còn quan tâm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin và quy định rõ trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

Theo đó, Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định rõ: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Tuy nhiên, luật này cũng nêu rõ: “Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác”.

Chủ trì họp báo quốc tế công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, sau 26 năm kết nối internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38% so với năm 2019… Các số liệu trên chứng minh rằng, ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông, internet đã phát triển mạnh mẽ, trở thành diễn đàn tự do ngôn luận, thể hiện rõ quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Tại Hội thảo khoa học Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới diễn ra vào cuối năm 2023, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Giang Thị Thu Nga phát biểu nhấn mạnh: “Ngày 19-11-1997 là ngày đầu đất nước Việt Nam hòa vào mạng internet toàn cầu… Đất nước ta đã có những thành tựu phát triển vượt bậc trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trên trường quốc tế với không gian mạng được mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước… Không gian đó không chỉ mang đến nguồn thông tin vô tận, mà còn là nơi kết nối xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng giá trị cuộc sống”.

Tuy nhiên, theo bà Giang Thị Thu Nga, bên cạnh những lợi ích, không gian mạng cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá với việc bao phủ những thông tin tuyên truyền sai trái, phản động, tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đối với những luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, người dân khi nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí và thông tin truyền thông, cũng như thực tiễn khách quan tại Việt Nam sẽ có câu trả lời đúng đắn, toàn diện, không bị các thế lực thù địch “dẫn dụ” tin theo những thông tin xấu độc với động cơ không trong sáng.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/viet-nam-dam-bao-quyen-tu-do-ngon-luan-tu-do-bao-chi-tiep-can-thong-tin-14a5e18/