Việt Nam biến An-26 thành máy bay ném bom như thế nào?

Trong Chiến tranh biên giới Tây Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu chiến trường, Việt Nam đã hoán cải máy bay vận tải An-26 thành oanh tạc cơ cực kỳ lợi hại.

Lịch sử Không quân Việt Nam ghi rõ, cuối tháng 3/1984, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch truy quét lớn, đánh sâu vào các căn cứ của tàn quân Khmer đỏ, làm tê liệt cơ quan đầu não của chúng.

Mặt trận 479 yêu cầu không quân chi viện tích cực, đánh phá các căn cứ trong rừng sâu, triệt phá các nguồn dự trữ vũ khí và lương thực của địch. Trung đoàn không quân 918 nhận lệnh sử dụng lực lượng máy bay An-26 phối hợp với Trung đoàn không quân 917 đánh phá căn cứ của Khmer đỏ.

Máy bay vận tải hạng nhẹ An-26 được hoán cải cho nhiệm vụ ném bom

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Nhà máy A41 đã tiến hành cải tạo máy bay vận tải An-26 để làm nhiệm vụ ném bom bằng cách trang bị thêm máy ngắm, gắn bổ sung giá treo ngoài cũng như hệ thống băng chuyền trong thân để rải bom.

Sau quá trình nâng cấp, mỗi chiếc máy bay vận tải An-26 có thể mang tới 27 quả bom phá Mk 81 (trọng lượng 113 kg), hoặc 6 bom bi CBU-49 (trọng lượng 380 kg, bên trong chứa 670 bom con BLU-59), đây đều là số vũ khí chiến lợi phẩm do Mỹ sản xuất.

Bom phá Mk 81 do Mỹ sản xuất được tích hợp vào các giá treo ngoài của máy bay vận tải An-26

Theo báo cáo, các máy bay vận tải An-26 trong vai trò máy bay ném bom đã đánh ít nhất 35 trận trên chiến trường Campuchia. An-26 thường bay theo đội hình từ 2 đến 7 chiếc để oanh tạc các căn cứ của tàn quân Khmer Đỏ. Số lượng máy bay và bom được tập trung tạo ra mật độ hỏa lực chẳng kém gì Pháo đài bay B-52 của Mỹ.

Như vậy trong biên chế Không quân Việt Nam, những chiếc An-26 không chỉ đáp ứng đầy đủ vai trò "ngựa thồ đường không" như thiết kế mà còn đảm trách được một vai trò vô cùng đặc biệt với những vũ khí cũng đặc biệt không kém.

Bên cạnh treo ngoài, bom còn có thể được thả từ khoang chở hàng của máy bay vận tải An-26

Nếu không huy động An-26 thực hiện nhiệm vụ máy bay ném bom sẽ phải huy động gần như cả trung đoàn tiêm kích F-5 hay cường kích hạng nhẹ A-37 thì mới đảm bảo mật độ hỏa lực theo đúng yêu cầu đòi hỏi.

Những kinh nghiệm thu được trong quá trình hoán cải máy bay vận tải An-26 thành máy bay ném bom hạng nhẹ hoàn toàn có thể được áp dụng trên những "cỗ xe biết bay" CASA C295M thế hệ mới của Không quân Việt Nam.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/viet-nam-bien-an-26-thanh-may-bay-nem-bom-nhu-the-nao-3381615/