Việc không dễ nhưng vẫn phải làm

'Cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh như hiện nay', đó là quan điểm được ĐB Quốc hội nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội hôm qua.

Một bức tranh khá toàn diện với cả mặt được và chưa được về tổ chức bộ máy hành chính đã được “vẽ” ra; không ít giải pháp đã được kiến giải để gỡ những trở lực cần phải vượt qua.

Ảnh minh họa

Như các ĐB đã nhận định, chưa bao giờ bộ máy hành chính, sự nghiệp của chúng ta lại phình to và cồng kềnh như hiện nay. Sau hàng chục năm tiến hành tinh giản biên chế, số lượng các đầu mối, đơn vị, biên chế không giảm mà còn có xu hướng tăng, “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia. Bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng lớp trung gian, tình trạng bộ trong bộ ngày càng nặng nề.
Một nguyên nhân khiến bộ máy tiếp tục phình ra được chỉ ra là do còn hiện tượng tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập vụ viện, hình thành một số chức danh không đúng theo quy định như “hàm” vụ trưởng... Rồi tình trạng “bì tị”, dẫn tới tâm lý T.Ư làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được… Từ đó, số lượng cấp phó tăng nhanh không chỉ trong cơ quan Nhà nước mà kể cả cơ quan Đảng, đoàn thể. Và các ĐB Quốc hội cũng thẳng thắn, tình trạng bộ máy cồng kềnh, nhiều cấp trung gian nên đẻ ra “chạy”, đẻ ra né tránh trách nhiệm vì quá nhiều người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm thì lấy ai là người chịu trách nhiệm chính.
Tinh gọn bộ máy hành chính đã và đang là câu chuyện “nóng” dù không hề dễ dàng. Việc Hội nghị T.Ư 6 khóa XII ban hành Nghị quyết về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã thể hiện quyết tâm lớn với lộ trình tinh nhuệ bộ máy, theo đó bộ máy phải gọn nhẹ, nhưng đảm bảo chất lượng. Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này sau phiên thảo luận. Nhiều giải pháp được đưa ra để thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương; giảm cấp trung gian… “Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau”, là quan điểm nhận được sự đồng tình.
Nhưng điều quan trọng nhiều ĐB bàn tới là sau quyết tâm, sau những giải pháp tinh gọn lại bộ máy đấy cần phải có những đơn vị, địa phương đi đầu, và cần phải có sự quyết liệt vào cuộc. Như một ĐB đã phân tích, không dễ thay đổi quan điểm, nhận thức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tiến tới giảm biên chế. Bởi tổ chức bộ máy có thể sắp xếp theo nhiều quan điểm nhưng xử lý từng con người cụ thể lại vô cùng khó khăn, phải có phương án tận dụng người tài, có khả năng để đảm bảo công việc. Bên cạnh đó, đặt ra chủ trương giảm 10% biên chế trong thời điểm hiện nay, kết hợp hai nội dung này để có phương án sắp xếp, sáp nhập là vấn đề lớn cần phương án khoa học để tổ chức đúng. Và quan trọng hơn cả, để có bộ máy gọn nhưng tinh, cần vượt qua rào cản, cũng là khuyết điểm hiện nay là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành, địa phương. Để tinh gọn không còn là chuyện nói đến ai cũng đồng tình, nhưng “giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/viec-khong-de-nhung-van-phai-lam-301635.html