Việc hủy bỏ kết quả xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân

Bạn đọc Hoàng Đức Sơn ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc hủy bỏ kết quả xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 72 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Cụ thể như sau:

1. Doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác bị hủy bỏ kết quả xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng khi có một trong những hành vi sau:

a) Kê khai gian dối thành tích để tham gia xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng;

b) Lợi dụng danh hiệu, giải thưởng đã được trao tặng để có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian tính thành tích để xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc kê khai gian dối thành tích hoặc hành vi vi phạm pháp luật của doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác; cơ quan, đơn vị tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng quyết định hủy bỏ kết quả xét tặng, thu hồi cúp, giấy chứng nhận, tiền thưởng (nếu có) đã tặng cho doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác và công bố công khai với cơ quan truyền thông.

* Bạn đọc Phạm Minh Long ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, hỏi: Trách nhiệm của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể như sau:

Tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội có trách nhiệm sau đây:

1. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật;

2. Tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

3. Tham gia các hội đồng chuyên môn, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn kỹ thuật, tham gia kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và giám sát việc hành nghề, cập nhật kiến thức y khoa liên tục khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

4. Phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho các hội viên theo quy định của pháp luật;

5. Thực hiện chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, tham gia giám sát, phản biện xã hội về khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật;

6. Tham gia xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp; vận động hội viên, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ quy định của pháp luật;

7. Huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật;

8. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-huy-bo-ket-qua-xet-ton-vinh-va-trao-tang-danh-hieu-giai-thuong-cho-doanh-nhan-768742