Việc giải tỏa chợ tạm trong KĐT Đại Thanh: Cần xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân!

KTNT - Việc xây ki-ốt trong KĐT Đại Thanh đang có nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân trong KĐT, bởi lo sợ làm mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và gây ách tắc giao thông, cháy nổ...

Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư lại khẳng định, mục tiêu là để gom các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ quanh KĐT làm mất vệ sinh công cộng và an toàn giao thông… đến nơi tập trung tiện bề quản lý và đó cũng là thể theo nguyện vọng và nhu cầu của 12.000 cư dân ở 6 tòa nhà chung cư và 500 hộ dân ở khu liền kề.

Thời gian vừa qua, các cơ quan ngôn luận cũng như Báo Kinh tế nông thôn liên tiếp nhận được phản ánh của người dân xung quanh việc xây dựng chợ tạm trong KĐT Đại Thanh gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và gây ách tắc giao thông, cháy nổ…, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cư dân trong KĐT; và việc xây dựng, mua bán ki-ốt của BQL dự án Đại Thanh.

Báo cáo của BQL KĐT Đại Thanh về việc mở ki-ốt.

Qua quan sát, phóng viên thấy khu chợ tạm như phản ánh nằm phía trước mặt của 3 tòa nhà CT10A, CT10B, CT10C nối tiếp nhau, mỗi ki-ốt rộng khoảng 15m2, nằm sát phía Đường 70, quay mặt vào KĐT. Tại đây có khoảng hơn 40 ki-ốt, chủ yếu buôn bán về các mặt hàng như rau, củ quả, thịt và một số mặt hằng thiết yếu dùng hàng ngày của nhân dân như quần áo, đồ uống giải khát…

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thủy, chủ ki-ốt số 02 nằm trong khu chợ tạm, cho biết: “Gia đình tôi thuộc vào diện khó khăn, trước đây tôi thường hay bán hàng rong quanh KĐT này, nhiều khi BQL không cho bán đuổi chúng tôi ra khỏi KĐT. Từ khi BQL dựng khu chợ tạm này, gia đình tôi đã nộp đơn xin thuê ki-ốt để buôn bán, không phải lo nắng mưa nữa. Buôn bán ở đây mỗi tháng ngoài tiền thuê mặt bằng tôi cũng kiếm được chút ít lo cho cuộc sống gia đình mà lại ổn định không bấp bênh như trước đây”.

Đơn kiến nghị của nhiều cư dân trong KĐT.

Ông Trần Văn Hiệp, chủ ki-ốt số 16 cũng chia sẻ: “Buôn bán ở đây toàn những hộ khó khăn. Trước đây, khi chưa có khu này, chúng tôi thường buôn bán trên vỉa hè của KĐT, nắng mưa, bụi bặm ô nhiễm vệ sinh môi trường. Từ khi được BQL cho thuê tập trung tại dãy ki- ốt này, mọi thứ được quy hoạch nên tình trạng mua bán tràn lan, ô nhiễm môi trường cũng như mất an toàn giao thông đỡ hẳn”.

Ông Hiệp cho hay, xử lí nghiêm tình trạng các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát mọc tràn lan gây ảnh hưởng tới môi trường, đô thị theo chủ trương của UBND TP. Hà Nội về trật tự văn minh đô thị là chính đáng. Tuy nhiên, chính quyền, BQL KĐT cần xem xét nguyện vọng của người dân sau khi bị giải tỏa, đồng thời bố trí địa điểm thuận lợi cho việc kinh doanh trở lại của người dân. Bởi sau khi ki-ốt bị dẹp bỏ, chúng tôi sẽ không có công ăn việc làm, cuộc sống rất khó khăn.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nhiều cư dân cho rằng, việc xây dựng chợ tạm trong KĐT Đại Thanh gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và gây ách tắc giao thông, cháy nổ…, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cư dân trong KĐT và cần dẹp bỏ sớm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Liên quan tới vụ việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Tô Thế Bình, Phó giám đốc BQL dự án Đại Thanh. Ông Bình cho biết: “Hiện tại, trong KĐT Đại Thanh có 3.900 hộ dân với hơn 12.000 nhân khẩu, số lượng dân cư sẽ tiếp tục tăng lên khi 500 hộ dân của khu liền kề về sinh sống trong năm tới. Như vậy, mọi nhu cầu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân ở đây như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí và đặc biệt là nhu cầu mua bán thường xuyên hàng ngày tất yếu sẽ tăng lên, nhất là nhu cầu mua bán về hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, rau củ quả, và các nhu yếu phẩm khác.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, BQL đã họp các khu để lấy ý kiến của các hộ dân sinh sống trong các tòa nhà của KĐT, qua đó thấy được sự cần thiết của người dân và yêu cầu của công tác quản lý khu đô thị, BQL Dự án Đại Thanh đã cho dựng tạm 46 ki-ốt theo hình thức dựng kèo sắt, lợp mái tôn, giải quyết cho một số người dân thuê để bán hàng, chủ yếu là các hộ dân đang bán hàng rải rác trên vỉa hè của khu chung cư”.

Ông Tô Thế Bình, PGĐ BQL dự án Đại Thanh.

Trao đổi về mức giá bán từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho mỗi ki-ốt cũng như việc phản ánh xây dựng ki-ốt tạm thời nằm trong KĐT, ông Bình cũng cho biết thêm: Thông tin về việc mua bán các ki-ốt như phản ánh của người dân là hoàn toàn vô căn cứ, vu khống chúng tôi. Ở đây giá mỗi ki-ốt này BQL quy định là cho các hộ dân thuê lại với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Khi các hộ kinh doanh nộp tiền, chúng tôi đều có phiếu thu đàng hoàng. Tiền thu cũng được nộp về công ty chứ chúng tôi làm gì có quyền sử dụng số tiền đó.

"Vì vậy, việc mua bán ki-ốt như người dân phản ánh là hoàn toàn không có căn cứ. Không có chuyện mua bán ki-ốt của BQL ở đây. Còn đối với cư dân trong KĐT này phản đối chúng tôi dựng khu ki-ốt tạm thời này lại càng không có căn cứ vì khi dựng khu ki-ốt tạm này, chúng tôi đã tham khảo cũng như lấy ý kiến của các cư dân tại các tòa nhà và đa số đều ủng hộ", ông Bình khẳng định.

Về công tác quản lý, ông Bình cho biết: “Cụm ki-ốt bán hàng được triển khai từ đầu tháng 7/2014. Đến cuối tháng 7/2014, bà con mới bắt đầu ổn định kinh doanh buôn bán. Điều quan tâm nhất của BQL đối với cụm ki-ốt là công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Vì vậy, BQL đã đề ra nội quy bán hàng, từng hộ nhận thuê ki-ốt ký bản cam kết thực hiện. BQL cũng huy động tối đa lực lượng làm công tác an ninh trật tự tại khu vực này. Sau hơn một tháng triển khai, tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường đã tương đối tốt, việc mua bán của người dân được thuận tiện hơn".

Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, UBND huyện đã nắm được thông tin tại KĐT Đại Thanh xuất hiện chợ tự phát và chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị chủ trì tiến hành thanh, kiểm tra. “Tất cả các chợ trên địa bàn phải tuân thủ theo Quyết định 5058/QĐ – UBND của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt mạng lưới buôn bán, bán lẻ trên địa bàn thành phố. Mục đích để tránh tình trạng các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát mọc tràn lan gây ảnh hưởng tới môi trường, đô thị”, bà Hiền nói.

Đồng thời, vị lãnh đạo Phòng Kinh tế này cũng cho hay, hiện nay gần khu vực KĐT Đại Thanh có dự án chợ Cầu Bươu đang được xây dựng và chợ Tả Thanh Oai đang đề xuất vị trí (hiện cũng đã có chợ tạm Tả Thanh Oai) thuộc quy hoạch của thành phố về mạng lưới chợ. Trong trường hợp KĐT Đại Thanh thực sự có nhu cầu thành lập chợ tạm trong một khoảng thời gian nhất định nào đó thì BQL phải đề xuất phương án cụ thể, cũng như có được sự đồng tình của cư dân Đại Thanh để cơ quan chuyên môn các cấp của thành phố xem xét.

Về phương án xử lí khu chợ tạm này, lãnh đạo Phòng Kinh tế cho biết, sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì, cùng các phòng ban chức năng liên quan có sự phối hợp với UBND xã Tả Thanh Oai để tích cực tiến hành giải tỏa chợ cóc, chợ tạm tại khu vực chung cư Đại Thanh trong thời gian sớm nhất.

Việc tiến hành giải tỏa chợ tạm, chợ cóc nhằm để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường là cần thiết theo đúng tinh thần, chủ trương của UBND TP. Hà Nội về năm trật tự, văn minh đô thị. Tuy nhiên, chính quyền huyện Thanh Trì, xã Tả Thanh Oai cũng cần xem xét thấu đáo nguyện vọng chính đáng của người dân sau khi bị giải tỏa.

Tiến Đạt – Thanh Thắng

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/viec-giai-toa-cho-tam-trong-kdt-dai-thanh-can-xem-xet-nguyen-vong-chinh-dang-cua-nguoi-dan-post15050.html