Vị Tướng kiên cường của Liên Xô bị phát xít Đức sát hại bằng giá lạnh

Bất chấp phát xít Đức dụ dỗ rồi chuyển sang đe dọa, một vị Tướng dũng cảm Liên Xô vẫn nhất quyết không hợp tác với chúng. Cuối cùng, phát xít Đức đã hèn hạ sát hại ông.

Trung Tướng Dmitry Mikhailovich Karbyshev. Ảnh: Russia Beyond

Trung Tướng Dmitry Mikhailovich Karbyshev. Ảnh: Russia Beyond

Tờ Russia Beyond (Nga) cho biết Trung Tướng lực lượng Công binh Dmitry Mikhailovich Karbyshev được coi là một trong những nhân vật có giá trị nhất của Hồng quân Liên Xô. Thời điểm phát xít Đức đưa quân đến Liên Xô năm 1941, vị Trung Tướng 60 tuổi đã nhận rất nhiều huy chương vì những thành tích của bản thân.

Ông đã thể hiện lòng dũng cảm trên chiến trường trong Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Đến Nội chiến Nga (1917-1922), ông đóng công lớn trong việc xây dựng 7 khu vực phòng thủ kiên cố tại vùng Volga, Siberia, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho các chiến dịch tấn công hệ thống phòng thủ của kẻ thù trên Bán đảo Crimea.

Trong Chiến tranh Mùa Đông (1939-1940) đối đầu với Phần Lan, ông Karbyshev đã đích thân thị sát Mannerheim Line - hệ thống công sự phòng thủ khét tiếng của Phần Lan tại Eo đất Karelian. Các đề xuất của ông sau đó đã góp phần giúp Hồng quân đạt được những đột phá trên chiến trường.

Với vai trò một tiến sĩ Khoa học Quân sự, ông Karbyshev cũng là tác giả của hàng trăm ấn phẩm học thuật về công binh và lịch sử quân sự. Ông là người đi tiên phong trong việc sử dụng các chướng ngại vật kỹ thuật. Các tác phẩm của ông trở thành nội dung nòng cốt trong các khóa huấn luyện quân sự của Hồng quân.

Mùa Hè năm 1941, khi Tướng Karbyshev đang thị sát một công trình tại miền Tây Belarus, ông đã bị phát xít Đức phục kích và bao bây. Đến tháng 8 cùng năm, phát xít Đức đã bắt được Tướng Karbyshev khi ông đang tìm cách phá vòng vây. Phía Đức nhanh chóng nhận ra rằng chúng đã bắt được một nhân vật có giá trị.

Phát xít Đức dùng chiêu trò dụ dỗ, đề nghị sẽ đối xử tốt với Karbyshev nếu ông chịu hợp tác. Chúng hứa hẹn trả tự do cho ông, cung cấp trợ lý riêng, tạo điều kiện để ông tiếp cận các thư viện, kho dữ liệu để viết các công trình nghiên cứu. Thậm chí phát xít Đức còn sẵn sàng đưa Karbyshev đến tiền tuyến để kiểm tra các nghiên cứu của ông trên thực địa.

Phát xít Đức cho rằng vị Tướng Liên Xô nói được thông thạo tiếng Đức này sẽ nắm lấy cơ hội. Tuy nhiên, mọi thứ không như phát xít Đức tưởng tượng. Tướng Karbyshev khước từ hợp tác, không có hứa hẹn nào có thể mê hoặc ông. Từ đây, phát xít Đức chuyển sang hình thức đe dọa, tra tấn Tướng Karbyshev, song cũng không thể khiến ông lung lay.

Tù nhân tại trại tập trung Mauthausen. Ảnh: Russia Beyond

Tù nhân tại trại tập trung Mauthausen. Ảnh: Russia Beyond

Sau 2 năm cố gắng, phát xít Đức đã phải từ bỏ ý định ép Tướng Karbyshev hợp tác. Một báo cáo của phát xít Đức năm 1943 có đoạn: “Kỹ sư chủ chốt của Liên Xô này, sĩ quan chính quy của quân đội Nga, người đàn ông hơn sáu mươi tuổi, đã tuyệt đối trung thành với quân đội và đất nước. Mọi cố gắng hòng mua chuộc Karbyshev trở thành chuyên gia kỹ thuật quân sự cho Đức đều thất bại”.

Phát xít Đức sau đó quyết định đưa Tướng Karbyshev đến lao động khổ sai tại trại tập trung Flossenbürg. Vị Tướng dũng cảm bị chuyển từ trại tập trung này đến trại tập trung khác. Ông đã sống sót vượt qua Auschwitz và Sachsenhausen, nhưng vào tháng 2/1945, Tướng Karbyshev bị đưa đến Mauthausen (Áo), đây là trại tập trung cuối cùng đối với ông.

Thiếu tá quân đội Canada, Seddon de St. Clair, một tù binh tại Mauthausen, đã chứng kiến chuyện xảy ra với Tướng Karbyshev: “Ngay khi đến trại tập trung Mauthausen, phát xít Đức đưa chúng tôi đến phòng tắm, ra lệnh chúng tôi phải cởi đồ và chúng bắt đầu xịt nước đá lên chúng tôi từ trên cao. Điều này diễn ra trong một thời gian dài, mọi người đều xanh xao. Nhiều người gục xuống sàn rồi chết”.

Nhưng Tướng Karbyshev ở độ tuổi 60 vẫn sống sót thần kỳ. Rồi phát xít Đức đưa ông và những người khác ra ngoài sân trong thời tiết lạnh cóng, họ chỉ được mặc đồ lót. Phát xít Đức tiếp tục dội nước lạnh vào họ, những người cố tránh né bị tấn công vào đầu. Hàng trăm người ngã gục bởi giá lạnh hoặc bị thương ở đầu. Và Tướng Karbyshev là một trong số này.

Bức tượng của Tướng Karbyshev dựng tại Mauthausen. Ảnh: Russia Beyond

Bức tượng của Tướng Karbyshev dựng tại Mauthausen. Ảnh: Russia Beyond

Liên Xô không nắm được thông tin về số phận của Tướng Karbyshev và ông được coi là mất tích khi thực hiện nhiệm vụ. Chỉ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, những năm cuối của cuộc đời vị Tướng này tài ba mới được hé lộ.

Đến tháng 8/1946, Tướng Dmitry Karbyshev được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì “lòng dũng cảm, sự kiên cường trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”. Hai năm sau đó, tượng đài Tướng Karbyshev được dựng tại Mauthausen với dòng chữ: “Dmitry Karbyshev. Học giả. Người lính. Chiến sĩ Cộng sản. Cuộc sống và cái chết của ông là anh hùng”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/vi-tuong-kien-cuong-cua-lien-xo-bi-phat-xit-duc-sat-hai-bang-gia-lanh-20220224164045309.htm