Vị thế tiếng Việt trên thế giới đang khởi sắc!

Nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài (8/9), TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có những chia sẻ về tầm quan trọng và vị thế của tiếng Việt hiện nay.

Ý kiến của bà về Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 3/8 vừa qua?

Ngôn ngữ một dân tộc chứa đựng truyền thống dân tộc, bản sắc dân tộc, nội lực của dân tộc. Giữ gìn và tôn vinh tiếng Việt là một cách không chỉ để quảng bá mà còn khẳng định vị thế về văn hóa Việt Nam cũng như vị thế của đất nước.

TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở năm châu không chỉ là giữ gìn ký ức, lịch sử, văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giữ gìn những quan hệ máu thịt, nghĩa đồng bào cho một nước Việt Nam thống nhất, hùng cường.

Quyết định của Thủ tướng về việc chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài vào ngày 8/9 là một dấu mốc quan trọng. Quan trọng về ý nghĩa chính trị, quan trọng về đối ngoại nhân dân, quan trọng trong sứ mệnh lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Là nhà Việt Nam học, bà đánh giá như thế nào về vị thế tiếng Việt hiện nay trên thế giới?

Diễn tiến hiện nay, các hoạt động liên quan đến tiếng Việt và các sự kiện liên quan đến ngành Việt Nam học ở Việt Nam và thế giới cho thấy sự khởi sắc.

Tiếng Việt ở khu vực châu Á đã được quan tâm rất nhiều. Tiếng Việt trong các chương trình Việt Nam học ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Pháp ngày càng được quan tâm. Cụ thể, nhu cầu học tiếng Việt ở Nhật Bản, Hàn Quốc khá cao; ở Đài Loan (Trung Quốc), tiếng Việt được chấp nhận là thứ tiếng được dạy trong trường học.

Mới đây, một hội thảo có liên quan của các chuyên gia Đại học Colombia, Mỹ đã được tổ chức ở Hà Nội. Trong hội thảo, các chuyên gia khẳng định khả năng hợp tác giữa Đại học Colombia và Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về lĩnh vực tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam học.

Sau mỗi khóa tham gia tập huấn tiếng Việt cho các giáo viên kiều bào tại các nước, bà có điều gì muốn gửi gắm?

Việc giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài có những yêu cầu đặc thù về nội dung và phương pháp. Trong đó, yêu cầu giáo dục về văn hóa gốc của người Việt, làm sống lại những nét đặc sắc văn hóa cội nguồn thông qua ngôn ngữ là một vấn đề quan trọng.

Các khóa tập huấn mang nhiều ý nghĩa quý giá về cả tinh thần nhân văn lẫn sự nghiệp đào tạo tiếng Việt trên toàn thế giới, góp phần không nhỏ vào công tác phát huy nguồn lực cho đất nước.

Qua mỗi khóa tập huấn, các giáo viên sẽ được hỗ trợ những kiến thức chuyên môn về phương pháp dạy tiếng cũng như bổ sung nền tảng tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Họ có thể tự tin hơn nữa trong việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài.

Ngoài khóa tập huấn tiếng Việt, theo bà, cần làm gì để tiếng Việt lan tỏa hơn nữa?

Trong Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” đã có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa, có tầm quốc tế để lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ví dụ như tiếp tục duy trì trại hè cho trẻ em kiều bào, tổ chức các cuộc thi tìm đại sứ tiếng Việt, các hoạt động tổ chức các kênh đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho nước ngoài...

Sắp tới, lần đầu tiên ở Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ ra mắt một cổng thông tin rất quy mô, phủ trên phạm vi quốc tế. Cổng thông tin sẵn sàng chuẩn bị nền tảng, mọi dữ liệu để sẵn sàng dạy tiếng Việt cho 5,3 triệu kiều bào theo 6 khung năng lực tiếng Việt từ bậc 1 đến bậc 6. Đây là sự kiện chưa từng có từ trước tới nay.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Bảo Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-the-tieng-viet-tren-the-gioi-dang-khoi-sac-197296.html