Vì sao Tòa buộc Vietcombank Sóc Trăng trả tài sản cho khách hàng?
Quyết định Giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM đã chỉ rõ những tình tiết liên quan đến hợp đồng giữa các bên, từ đó đưa ra phán quyết tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Sóc Trăng.
Từ một hợp đồng không có giá trị pháp lý
Như Báo Công lý đã thông tin trong bài viết: “Vietcombank Sóc Trăng không thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật”, sáng 10/11/2023, tại trụ sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Sóc Trăng (Vietcombank Sóc Trăng), Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cùng cơ quan chức năng thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án theo Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDMT-GĐT nhưng đại diện Vietcombank Sóc Trăng không thi hành và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính.
Theo hồ sơ, Công ty TNHH Kim Anh với Vietcombank Sóc Trăng có mối quan hệ cấp tín dụng, hợp tác từ năm 1992, có thời điểm dư nợ công ty tại ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2008, do tình hình kinh doanh gặp khó khăn và nội bộ công ty xảy ra tranh chấp nên doanh nghiệp chủ động bán hàng trả nợ cho ngân hàng, dư nợ năm 2010 chỉ còn khoảng 70 tỷ đồng.
Năm 2011, do có nhu cầu mở rộng hoạt động trở lại nên công ty đề nghị Vietcombank Sóc Trăng tăng hạn mức từ 150 tỷ lên 200 tỷ đồng. Một lãnh đạo Vietcombank Sóc Trăng lúc đó cam kết tăng hạn mức lên 200 tỷ đồng nếu đưa tài sản cá nhân vào thế chấp, vì nội bộ công ty đang tranh chấp nên tài sản của công ty không được ngân hàng chấp nhận.
Tin tưởng lời hứa, vợ chồng bà Linh đưa 4 tài sản cá nhân là nhà và đất thế chấp vào Vietcombank Sóc Trăng bằng Hợp đồng số 105/2011/VCB.ST ngày 3/10/2011 giữa ba bên (ngân hàng, Công ty TNHH Kim Anh và người có tài sản). Tuy nhiên, sau đó công ty không được tăng thêm hạn mức tín dụng mà còn giảm từ 150 tỷ đồng xuống 100 tỷ đồng.
Vụ việc được các bên đưa ra Tòa án giải quyết. Bản án sơ thẩm số 13/2020/KDTM-ST ngày 23/12/2020, TAND TP Trăng nhận định: “Hợp đồng số 105/2011/VCB.ST ký kết vào năm 2011, đến năm 2016 ngân hàng và Công ty Kim Anh mới ký kết 22 hợp đồng tín dụng từng lần, các bên không tiến hành ký phụ lục hợp đồng thế chấp, không tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo lại. Tại điều 1 của hợp đồng không ghi rõ nghĩa vụ đảm bảo cụ thể của hợp đồng tín dụng nào, tại các ô vuông có liên quan đến các hợp đồng tín dụng thì bỏ trống”. Vì vậy, yêu cầu độc lập của bà Linh là có cơ sở và được HĐXX chấp nhận, tuyên buộc Vietcombank Sóc Trăng xóa thế chấp và trả lại 4 tài sản cho vợ chồng bà Linh
Vietcombank Sóc Trăng kháng cáo và VKSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị. Ngày 28/2/2023, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm, tuyên ngược lại với 4 tài sản đối với bên thứ ba.
Công ty Kim Anh và bà Linh có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 20/5/2022, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM cũng có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Sóc Trăng.
Quyết định kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP.HCM khẳng định: “Tại điều 1 của hợp đồng thế chấp 105/2011/VCB.ST không ghi rõ 4 tài sản này có nghĩa vụ đảm bảo cụ thể của hợp đồng tín dụng nào. Tại các ô vuông có liên quan đến hợp đồng tín dụng thì bỏ trống… Do các bên không có thỏa thuận đảm bảo cho nghĩa vụ tương lai nên không có cơ sở cho rằng Hợp đồng số 105/2011/VCB.ST được dùng để đảm bảo cho 22 hợp đồng tín dụng được ký kết năm 2016.
Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng các bên không có thỏa thuận cụ thể về phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như đảm bảo toàn bộ nghĩa vụ nợ phát sinh trong tương lai của Công ty Kim Anh là không phù hợp với quy định pháp luật. Mặt khác, tại thời điểm xác lập Hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.Str năm 2011, thì tổng tài sản thế chấp của Công ty Kim Anh là hơn 178 tỷ đồng, cao hơn hạn mức tín dụng là 150 tỷ mà ngân hàng cấp, cho nên việc thế chấp tài sản trị giá 11,14 tỷ của vợ chồng bà Linh để đảm bảo các khoản vay là không cần thiết. Do đó, có cơ sở xác định việc ký kết hợp đồng thế chấp 105/2011/VCB.Str chỉ mang tính hình thức, nhằm mục đích tăng hạn mức tín dụng như lời trình bày của Công ty Kim Anh”.
Ngày 30/11/2022, Ủy ban thẩm phán của TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử và chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP.HCM, tuyên hủy án phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Sóc Trăng, buộc ngân hàng trả và xóa thế chấp 4 tài sản cho vợ chồng bà Linh liên quan đến Hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.ST.
Nhận định của Quyết định giám đốc thẩm nêu rõ: “Trong giao dịch thế chấp tài sản, Công ty Kim Anh là người đi vay tiền và thế chấp tài sản, ký kết hợp đồng do ngân hàng soạn thảo sẵn, mặc dù tài sản (dùng để thế chấp) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho Công ty Kim Anh và thuộc vào trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch đảm bảo, nhưng ngân hàng vẫn nhận thế chấp tài sản này (tài sản chưa được công nhận quyền sở hữu) và không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo theo luật định.
Nội dung việc thế chấp không thể hiện rõ ràng là để đảm bảo cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng nào... Do đó, trong trường hợp có tranh chấp giữa hai bên ký kết, cần giải thích nội dung hợp đồng nhằm bảo vệ quyền lợi của người không soạn thảo hợp đồng, là phù hợp với Điều 407 của Bộ Luật dân sự 2005; Điều 405 Bộ Luật dân sự 2015”.
Không thi hành án với lý do “xin ý kiến hội sở”
Hiện nay, Vietcombank Sóc Trăng đã đề nghị cơ quan thi hành án thi hành khoản nợ của Công ty Kim Anh. Trong lúc, Công ty Kim Anh cũng có đơn kiến nghị tự nguyện thi hành án bằng cách đưa tài sản là 58.000m2 đất, trị giá trên 100 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án phát mãi, thu hồi trên 89,5 tỷ đồng mà doanh nghiệp nợ Vietcombank Sóc Trăng.
Như thế nợ giữa Công ty Kim Anh và Vietcombank Sóc Trăng càng rõ là không liên quan gì đến 4 tài sản của vợ chồng bà Linh. Quyết định giám đốc thẩm cũng đã có hiệu lực hơn một năm, cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế thì Vietcombank Sóc Trăng cho rằng “chờ xin ý kiến hội sở”.
Tại biên bản cưỡng chế thi hành án sáng 10/11/2023, ông Trần Lý Phước Thọ là đại diện theo ủy quyền của Vietcombank Sóc Trăng cho rằng phải xin ý kiến của Vietcombank trụ sở chính và sẽ có văn bản chính thức gửi cơ quan thi hành án.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ) khẳng định, Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đến thời điểm này là bản án cuối cùng, có hiệu lực pháp luật nên các bên phải thi hành. Vietcombank Sóc Trăng đưa ra lý do xin ý kiến hội sở để không thi hành án là trái luật.
Luật sư Nguyễn Văn Đức cho biết thêm, việc trao trả tài sản cho vợ chồng bà Linh đã được Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM giải quyết trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và đưa ra phán quyết khách quan, đúng quy định pháp luật về hiệu lực của các hợp đồng thế chấp. Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDTM-GĐT ngày 20/11/2022 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM là đúng quy định của pháp luật.
Ở một diễn biến khác, ngày 11/11/2023, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý Vietcombank Sóc Trăng về hành vi không thi hành án theo Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDMT-GĐT ngày 30/11/2022 của TAND cấp cao tại TP.HCM.