Vì sao nạn bạo hành trẻ em ngày càng nhiều vụ tàn bạo?

Theo Luật sư Đào Thị Bích Hường, các chế tài xử phạt đối với hành vi và tội bạo hành trẻ em chưa phát huy tính răn đe, phòng ngừa hiệu quả, chưa có quy định chi tiết trong hoạt động giám sát và xử lý hành vi bạo hành trẻ em.

Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em

Mới đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh bé trai 9 tuổi ở Bình Phước liên tục bị cha dượng Lê Đức Thắng giẫm đạp, đánh vào mặt, kéo lê trên nền nhà. Trong quá trình này, bé trai liên tục khóc lóc van xin nhưng người này vẫn không dừng lại mà tiếp tục đánh đập.

Công an TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cho biết, đơn vị vừa triệu tập Lê Đức Thắng (SN 1982, trú tại Khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài) để làm rõ các hành vi bạo hành bé trai. Dư luận cũng vô cùng phẫn nộ, đề nghị cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm minh, bởi đây không phải là lần đầu tiên người cha dượng này ra tay đánh đập cháu bé.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Đào Thị Bích Hường (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, vụ việc cha dượng bạo hành bằng vũ lực với bé trai 9 tuổi đang học lớp 3 thuộc hành vi bạo hành trẻ em ở cấp độ nghiêm trọng, tàn nhẫn gây ra thương tích cho bé.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội hành hạ người khác, người cha dượng sẽ đối mặt với mức hình phạt là từ 02 năm đến 03 năm: “Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình và phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 02 năm đến 03 năm”.

Theo quy định trong Điều 134 Bộ luật Hình sự, người cha dượng phạm tội Cố ý gây thương tích, trong trường hợp kết quả xác minh cháu bé đã có thương tích vì hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Luật sư Hường nhấn mạnh, sau khi áp dụng những hình phạt này, nếu hành vi của người cha dượng còn tiếp diễn trong tương lai thì chịu mức án phạt nặng hơn, có thể chịu hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi.

Luật sư Đào Thị Bích Hường (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).

Bạo hành trẻ em là những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần, biểu hiện qua các hành vi như đánh đập, chửi rủa, bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiểm hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ.

Theo luật sư Hường, nguyên nhân dẫn đến những hành vi làm tổn thương thể xác lẫn tinh thần của trẻ xuất phát từ trình độ hiểu biết pháp luật về quyền trẻ em của một bộ phận người dân chưa cao, thiếu kiến thức về giáo dục. Tư duy của nhiều cha mẹ cho rằng việc áp dụng kỷ luật bạo lực như là một biện pháp giáo dục “yêu cho roi, cho vọt”.

Tuy nhiên, chính những kỷ luật quá đà này khiến trẻ em bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Thực tế hiện nay là môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè…

Bạo lực không chỉ là hành vi xâm hại đến sức khỏe mà còn về cả tinh thần của trẻ em (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ).

Ngoài ra, một phần sự việc xảy ra nghiêm trọng đến vậy cũng có lỗi của bậc sinh thành của cháu bé vì đã không dành sự quan tâm người con, không quan sát để nhận thấy các hành vi, dấu hiệu lạ của con, không thường xuyên trò chuyện và chăm sóc con.

“Trong vụ việc này, ngay từ khi phát hiện lần đầu con mình bị bạo hành, người mẹ cần giải quyết vấn đề này một cách triệt để, tránh việc xảy ra câu chuyện tương tự sau này. Người mẹ cần cách ly con khỏi cha dượng ngay lập tức để bảo vệ con, sau đó nói chuyện trực tiếp với chồng và yêu cầu không được phép có những hành vi bạo lực.

Nếu yêu cầu này bị từ chối thì người mẹ cần thông báo bằng hình thức gửi đơn trực tiếp hoặc báo cáo qua điện thoại cho các cơ quan như Ủy ban nhân dân; Công an xã, phường, thị trấn; Các đường dây nóng hỗ trợ trẻ em như 18001567. 111; 113; 1900.54.55.59, 1800.90.69”, bà Hường nói.

Hiện nay, bạo hành trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng, vấn nạn này đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng, nặng nề đối với sự phát triển của trẻ cũng như tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra đã gây rúng động dư luận, mà kẻ bạo hành lại là những người cha dượng, mẹ kế, thậm chí là cha mẹ ruột. Có trường hợp trẻ đã không qua khỏi sau những đòn tra tấn man rợ như thời trung cổ.

Năm 2021, một bé gái 8 tuổi ở TP. HCM đã bị “mẹ kế” dùng hung khí nguy hiểm liên tục đánh đập dã man trong 4 giờ liên tiếp, làm nạn nhân tử vong. Đầu năm 2022, dư luận bàng hoàng với vụ việc một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ bạo hành theo cách không thể dã man hơn - đóng 9 cái đinh vào đầu dẫn đến tử vong do tổn thương não quá nặng. Bên cạnh đó, có vụ án bạo hành trẻ em cũng liên tục xảy ra bởi bảo mẫu hành hạ, đánh đập một cháu bé 2 tuổi đến chấn thương sọ não, dập phổi ở TP. Đà Lạt, hay vụ bé gái Vân An ở TPHCM bị dì ghẻ và cha đánh đập, bạo hành đến tử vong.

Luật sư Hường cho biết, đó là dấu hiệu của sự xuống cấp, suy thoái đáng nghiêm trọng về lối sống, đạo đức xã hội của một bộ phận người dân trong xã hội. Họ là những người coi thường pháp luật, thiếu đạo đức và ý thức, luôn sẵn sàng vì cảm xúc bản thân mà có những hành vi tàn nhẫn đối với chính những người thân dẫn đến nhiều trẻ bị thương tích, tàn tật rất thương tâm và có thể còn bị thiệt mạng.

Thực tế, các chế tài xử phạt đối với hành vi và tội bạo hành trẻ em chưa phát huy tính răn đe, phòng ngừa hiệu quả, chưa có quy định chi tiết trong hoạt động giám sát và xử lý hành vi bạo lực với trẻ em. Đáng lo ngại hơn, tình trạng bạo lực trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể, lo sợ bị trả thù khiến nhiều người không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi bạo lực này.

“Để ngăn chặn, giải quyết tình trạng này, tôi nghĩ rất cần sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, tổ chức xã hội để đưa ra các giải pháp toàn diện và thiết thực. Song song với việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý thật nghiêm minh đối với các đối tượng bạo hành trẻ em thì cần phải có những giải pháp tích cực để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, tránh cho trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành như đưa vào giáo dục các quyền trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về quyền trẻ em và những hậu quả nghiêm trọng đối với những hành vi khiến trẻ em bị tổn thương”, luật sư Hường nhấn mạnh.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/vi-sao-nan-bao-hanh-tre-em-ngay-cang-nhieu-vu-tan-bao-d4120.html