Vì sao huyện chi gần 14 tỷ đồng làm kênh dẫn nước rồi bỏ hoang?

Tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) có kênh dẫn nước được đầu tư gần 14 tỷ đồng, nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Trước khi làm kênh này, một đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đã đề nghị dừng đầu tư, nhưng huyện vẫn quyết làm.

Đó là tuyến kênh Đ3 dài 1,2km, đi qua địa phận xã Krông Búk, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk).

Tuyến kênh thuộc dự án hồ chứa nước Krông Búk Hạ (do Bộ NN&PTNT phê duyệt vào năm 2005), UBND huyện Krông Pắc làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng gần 14 tỷ đồng. Công trình được xây dựng năm 2012, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2015. Nhưng không lâu sau đó, tuyến kênh này bị bỏ hoang.

Cỏ mọc phủ kín kênh

Theo ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong, từ đầu đến cuối kênh Đ3 hiện cỏ dại mọc um tùm, phủ kín cả mặt kênh. Nếu không được chỉ dẫn, ít ai biết đây là con kênh được đầu tư hơn chục tỷ đồng. Tiếp tục di chuyển về phía cuối của con kênh, PV ghi nhận tình trạng mặt kênh bị cỏ phủ kín. Ngoài ra, mặt kênh còn thấp hơn mặt ruộng nên nước không chảy vào.

Ông Phạm Ngọc Khương (thôn 9, xã Krông Búk) cho biết, kênh chỉ hoạt động được mấy tháng rồi bị bỏ hoang mấy năm nay. "Kênh này chỉ lấy nước mưa, chứ nước từ hồ thủy lợi không thấy chảy về. Kênh bị bỏ hoang, để cỏ dại mọc um tùm thật quá lãng phí", ông Khương chua chát.

Kênh dẫn nước nhưng không thể chảy, toàn nước tù đọng

Theo tài liệu, khi triển khai tuyến kênh này, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8, thuộc Bộ NN&PTNT) đã có văn bản (ký ngày 27/9/2013) đề nghị tạm dừng đầu tư.

Kênh Đ3 là tuyến kênh đào (sâu hơn mặt đất tự nhiên từ 1-10m) nên không tưới tự chảy mà chỉ tạo nguồn, sau đó người dân phải dùng máy bơm để tưới cho cà phê ở 2 bên kênh. Tuyến kênh đi theo địa hình phức tạp và đi qua các diện tích cà phê đang canh tác nên vốn đầu tư rất cao. Cụ thể, suất đầu tư tưới cho 1ha rất lớn (khoảng 180 triệu đồng).

Do đó, Ban 8 đề nghị UBND huyện Krông Pắc tạm dừng đầu tư thi công để tránh lãng phí vốn.

Cỏ phủ kín kênh Đ3

Dù được đề nghị dừng đầu tư để tránh lãng phí vốn nhưng UBND huyện Krông Pắc vẫn quyết làm. Người đứng đầu cấp huyện lúc ấy là ông Nguyễn Sỹ Kỷ -Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc đã ký văn bản (ngày 4/10/2013) phúc đáp đối với đề nghị của Ban 8. Trong văn bản có nêu, xét về suất đầu tư thì việc đầu tư tuyến kênh Đ3 là tương đối cao khoảng 180 triệu đồng/1ha (do tuyến kênh đi qua địa hình tương đối cao, chiều sâu đào kênh là rất lớn, từ 2,5 đến 10,3m).

Tuy nhiên huyện này cho rằng, việc đầu tư tuyến kênh Đ3 hết sức cần thiết, không những phục vụ nước tưới cho 65ha lúa nước từ một vụ lên hai vụ, mà còn phục vụ nước tưới cho khoảng 70ha đất trồng cây cà phê, đồng thời góp phần tạo nguồn nước sinh hoạt cho bà con đồng bào dân tộc tại chỗ...

Hơn nữa, hiện tại UBND huyện Krông Pắc đang tiến hành giải phóng mặt bằng, đã lựa chọn đơn vị thi công và đang chỉ đạo đơn vị thi công triển khai thi công xây dựng tuyến kênh Đ3 theo như hồ sơ thiết kế đã phê duyệt, nhằm phát huy hiệu quả của dự án. Do đó, UBND huyện Krông Pắc phúc đáp để Ban 8 biết, cùng phối hợp thực hiện.

Phần đầu đoạn kênh bị phủ kín bởi cây cỏ dại

Kết quả, sau khi đầu tư xong, kênh Đ3 không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Từ năm 2016, người dân không còn dùng nước kênh để tưới. Mùa mưa các năm 2017, 2018, kênh Đ3 bị sạt lở cục bộ. Năm 2019, UBND huyện Krông Pắc cho chủ trương sửa chữa những vị trí sạt lở với số tiền 850 triệu đồng. Nhưng sau gia cố các vị trí này lại bị sạt trượt.

Ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) xác nhận, kênh Đ3 không hoạt động đã nhiều năm nay, rất lãng phí. Phía xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên có biện pháp nhưng đến nay chưa xử lý dứt điểm.

Tuyến kênh Đ3 bị bỏ hoang

Tuấn Nguyễn-Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-huyen-chi-gan-14-ty-dong-lam-kenh-dan-nuoc-roi-bo-hoang-post1568337.tpo