Vì sao DOJI báo lãi ròng 2023 chưa đầy 1% doanh thu?

Năm 2023, trong khi giá vàng liên tục lập đỉnh và chênh lệch giá mua vào - bán ra nới rộng về cuối năm có lợi cho nhà vàng, lãi ròng của DOJI vẫn giảm hơn 150 tỷ đồng so với 2022. Biên lãi ròng chưa đầy 1% khi giá vốn chiếm tới 98,85% doanh thu thuần.

 Ảnh: DOJI

Ảnh: DOJI

Giá vàng 2023 liên tục lập đỉnh, vì đâu biên lãi ròng của DOJI chỉ xấp xỉ 1%?

Những tháng cuối cùng của năm 2023 là thời điểm thị trường vàng Việt Nam chứng kiến những biến động mạnh, giá vàng liên tiếp lập kỷ lục. Ngày 26/12, giá vàng có thời điểm lập đỉnh 80 triệu đồng/ lượng trước khi hạ nhiệt sau đó và kết năm ở khoảng 74 triệu đồng/ lượng (từ mức mở màn ngày đầu năm khoảng 67 triệu đồng/ lượng). Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có thời điểm đã lên tới gần 19 triệu đồng/ lượng.

Ngay tại trong nước, cùng một thương hiệu, cùng một thời điểm, chênh lệch giá mua vào - bán ra cũng đáng quan tâm. Đơn cử tại sáng sớm ngày cuối năm 31/12/2023, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 71 triệu đồng/ lượng – 74 triệu đồng/lượng, tương ứng mức chênh 3 triệu đồng/lượng. Tại PNJ, mức giá vàng mua vào - bán ra được niêm yết ở 70 triệu đồng/lượng – 73,9 triệu đồng/lượng, tương ứng mức chênh 3,9 triệu đồng/ lượng.

Cá biệt, tại DOJI , cùng thời điểm này, giá vàng niêm yết tại thị trường Hà Nội là 68 triệu đồng -74 triệu đồng cho hai chiều mua vào và bán ra, tức DOJI mua vào với giá 68 triệu đồng/ lượng vàng và bán ra với giá 74 triệu đồng/ lượng vàng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra lên đến 6 triệu đồng, đồng nghĩa người mua vàng DOJI tại ngày 31/12/2023 sau đó bán ra ngay trong ngày cũng đã lỗ 6 triệu đồng/ lượng.

 Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, giới chuyên gia cho hay các doanh nghiệp vàng đã cảm thấy rủi ro và tìm cách khoảng cách giá mua vào - bán ra nới rộng về cuối năm đẩy rủi ro về phía người mua.

Dù có nhiều thời điểm nhà vàng mua vào giá thấp và bán ra giá cao như vậy, báo cáo tài chính của DOJI (công ty mẹ) lại ghi nhận doanh thu thuần 2023 giảm hơn 1.400 tỷ (-1,8% so với 2022), đạt 75.779 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng giảm mạnh hơn cả doanh thu (-20%), chỉ đạt gần 718 tỷ đồng.

Mức giảm mạnh lợi nhuận ròng của DOJI trong 2023 chủ yếu do lợi nhuận gộp trong kỳ giảm gần 15% so với cùng kỳ, chỉ đạt 872 tỷ đồng khi giá vốn lên tới hơn 74.900 tỷ và chiếm 98,85% doanh thu thuần. Biên lãi ròng do đó chưa đầy 1%.

Với lợi nhuận giảm mạnh, mức thuế thu nhập doanh nghiệp mà DOJI đóng trong 2023 chỉ hơn 9 tỷ đồng (năm 2022 là hơn 39 tỷ đồng).

Nhìn ra một 'nhà vàng' khác là PNJ, trong một năm giá vàng lập đỉnh như 2023, bức tranh kinh doanh của PNJ khá tích cực. PNJ ghi nhận tổng doanh thu thuần 2023 đạt 33.137 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với 2022 nhưng lãi ròng cả năm vẫn tăng gần 9%, đạt 1.971 tỷ đồng.

 Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Nguyên nhân khiến lãi ròng của PNJ năm ngoái vẫn tăng bất chấp doanh thu giảm tốc là do mức giảm mạnh hơn (-3,2%) của giá vốn xuống 27.078 tỷ đồng, tương đương khoảng 81,7% doanh thu thuần. Lợi nhuận gộp theo đó tăng hơn 2%, đạt gần 6.059 tỷ đồng; giúp biên lãi gộp 2023 của PNJ đạt tới 18,3%.

Trong năm 2023, PNJ nộp tới gần 518 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

 Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Một phần nguyên nhân khiến biên lãi gộp của PNJ cao hơn rất nhiều so với DOJI là do sự dịch chuyển cơ cấu sản phẩm. Mảng vàng miếng là mảng lâu nay biên lợi nhuận khá mỏng. Sau khi PNJ chuyển hướng sang mảng vàng trang sức, biên lãi gộp dần được cải thiện và duy trì khoảng 17-19% cho đến nay, ngay cả trong thời điểm đại dịch, giai đoạn 2020-2021. Trước đó, giai đoạn 2009-2011, khi vàng miếng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, biên lãi gộp của PNJ thường dao động quanh 4-5%.

Hơn 3.300 tỷ đầu tư thêm vào các công ty con, âm lưu chuyển tiền thuần

Lợi nhuận giảm trong khi lại tăng các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác là nguyên nhân khiến cho lưu chuyển tiền thuần trong 2023 của DOJI âm hơn 30 tỷ đồng.

Cụ thể, trong số 14.000 tỷ đồng tổng tài sản của DOJI tính tới hết ngày 30/12/2023, tài sản dài hạn chiếm 7.169 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm. Biến động này chủ yếu do sự tăng vọt gần 3.300 tỷ của khoản mục Đầu tư vào công ty con. Tại thời điểm kết thúc năm 2023, DOJI ghi nhận khoản mục Đầu tư vào công ty con có giá trị lên tới gần 5.160 tỷ đồng (chiếm gần 37% tổng tài sản) từ mức 1.889 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.

Thực tế trong khoảng hơn chục năm qua, DOJI liên tục mở rộng hệ sinh thái của mình bằng việc thành lập thêm các công ty con, lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng.

Theo đó, năm 2012, DOJI tham gia tái cấu trúc TPBank và sau đó đã trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này. Báo cáo thường niên 2023 của TPBank ghi nhận DOJI là một trong những cổ đông lớn. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TPBank.

Năm 2014, DOJI tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với việc thành lập công ty con DOJI Land, sau đó ghi dấu ấn với nhiều dự án nổi bật như The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long tại TP Hạ Long; dự án khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel (Quảng Ninh); các dự án tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê tại Hải Phòng,... Tại cuối năm 2023, giá trị đầu tư của DOJI vào DOJI Land lên đến 3.500 tỷ đồng, tăng vọt 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Website DOJI cho biết hiện tập đoàn có 14 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, 4 công ty liên kết góp vốn trên toàn quốc.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vi-sao-doji-bao-lai-rong-2023-chua-day-1-doanh-thu.html