Vì sao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam diễn ra

Ngày 7.1.2024 tròn 45 năm Việt Nam dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 – 7.1.2024). Nhân kỷ niệm “45 năm chiến thắng biên giới Tây Nam”, Báo Hà Giang điện tử đăng tải những bài viết liên quan đến cuộc chiến này.

Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng thân thiện, nhân dân sớm có quan hệ đoàn kết, giúp đỡ nhau. Trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Campuchia ngày 17.4.1975 cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước thuộc bán đảo Đông Dương.

Thế nhưng, ngay sau khi lên cầm quyền (tháng 4.1975), tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội nhân dân Campuchia. Chúng lập nên “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền... Trong 2 năm (từ 30.4.1975 đến 30.4.1977), Pol Pot phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối; chúng xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng vạn quân địa phương. Pol Pot tuyên bố: “Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết 3 đời”.

Lực lượng yêu nước Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn như lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen: “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”.

Người dân Campuchia mang nước thốt nốt đến cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những ngày giúp dân Campuchia thu hoạch lúa - hình ảnh thắm đượm tình nghĩa quân dân Việt Nam-Campuchia trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc; trong 2 năm (1975 đến 1977), chúng đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam; gây nhiều tội ác, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Ngày 3.5.1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10.5.1975, đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích bộ đội Biên phòng ta, cho dân di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk. Tháng 10.1975, chúng xâm nhập khu vực Pa Chàm (Lổ Cồ), xâm canh các khu vực Mộc Bài, Khuốc, Vạt Sa, Tà Nốt, Tà Bạt. Cuối năm 1975, đầu năm 1976, quân Pol Pot bất ngờ tiến hành một số vụ tấn công xâm nhập vào sâu lãnh thổ Việt Nam, có nơi trên 10km như ở vùng sông Sa Thầy (Gia Lai, Kon Tum).

Cuối tháng 2, đầu tháng 3.1976, quân Pol Pot khiêu khích hai Đồn Biên phòng số 7 và số 8 ở Bu Prăng (Đắk Lắk). Cuối năm 1976, chúng tăng cường các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm ở vùng biên giới Tây Nam nước ta. Trên địa bàn Quân khu 7, chúng gây ra 280 vụ khiêu khích, lấn chiếm 20 điểm trên biên giới. Ở địa bàn Quân khu 5 và Quân khu 9, các vụ xâm lấn ngày càng tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong tháng 3 và 4.1977, quân Pol Pot liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân diễn tập dọc biên giới nước ta dưới danh nghĩa “phòng thủ khu vực”, “bảo đảm an ninh nội địa”, nhưng thực chất đó là các cuộc điều quân. Cuối tháng 4.1977, Pol Pot điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào vùng biên giới Tây Nam nước ta.

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhiều lần đề nghị đàm phán. Song, Pol Pot-Ieng Sary không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta mà còn đẩy mạnh hoạt động chống phá, ráo riết chuẩn bị chiến tranh.

Đêm 30.4.1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pol Pot mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.

(Còn nữa)

Lê Lâm (Tổng hợp theo Đề cương Tuyên truyền 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 – 7.1. 2024) của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/dong-su-kien/202401/vi-sao-cuoc-chien-tranh-bao-ve-to-quoc-o-bien-gioi-tay-nam-dien-ra-61052ac/