Vì sao công tác cổ phần hóa bị chững lại?

Công việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Những năm trước đây, giai đoạn 2011 - 2015, tổng giá trị phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp được cổ phần hóa, việc thực hiện thoái vốn Nhà nước đã thu về trên 150 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2018, cả nước đã cổ phần hóa được 147 doanh nghiệp, tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đạt trên 160 ngàn tỷ đồng… Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa được sắp xếp lại, làm ăn có hiệu quả, ổn định sản xuất và nâng cao đời sống người lao động.

Khách sạn Thắng Lợi Hà Nội, món quà tặng vô giá của ĐCS Cu Ba tặng nhân dân Việt Nam đã được định giá bán cho tư nhân

Tuy nhiên, trong công tác cổ phần hóa còn xảy ra một số tiêu cực, như tình trạng các Bộ, ngành, địa phương chậm hoàn thành kế hoạch cổ phần hoádoanh nghiệp như kế hoạch đã đề ra, còn giữ lại vốn chi phối ở các doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Việc ban hành cơ chế chính sách chậm gây khó khăn cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn xảy ra, gây bức xúc xã hội, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có những khu “đất vàng” trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác. Một thời gian dài, dư luận đã bức xúc trong việc bán những mảnh đất vàng tại thành phố Hà Nội với “giá như cho”: Khách sạn Phú Gia Hà Nội, Khách sạn Hilton Hà Nội, kể cả khách sạn có giá trị về mặt lịch sử, chính trị như Khách sạn Thắng Lợi ở Hồ Tây cũng được đem ra bán; rồi câu chuyện bán Hãng phim truyện Việt Nam cả xã hội bức xúc Thanh tra phải vào cuộc…

Tất cả những việc đó liệu có lợi ích nhóm?Đó có phải những người có quyền, đặc biệt là Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước đã cố tình làm sai, tiêu cực, tham nhũng hay do khe hở của pháp luật? Liệu có cần thanh tra làm rõ, công khai minh bạch những sự việc đó?

Năm 2018, công tác cổ phần hóa của cả nước bị chững lại, nhiều doanh nghiệp than phiền rằng: Tiến độ cổ phần hóa bị chậm lại là do Bộ Tài chính đang sửa đổi một số chính sách, liệu vấn đề này có đúng không?

Qua nghiên cứu chỉ thị 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 của Chính phủ thấy rằng: Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính trong quý I/2019 chủ trì rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về việc sắp xếp, xử lý tài sản công; Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Hai nghị định này đóng vai trò chính trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Như vậy, việc chậm cổ phần hóa như các doanh nghiệp đã than phiền, việc tạo ra các tiêu cực, thất thoát vốn Nhà nước một phần là do khe hở của pháp luật. Câu hỏi đặt ra rằng: Liệu các văn bản Chính phủ giao có xong đúng thời hạn để công tác cổ phần hoádoanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương được thực hiện theo đúng tiến độ được Chính phủ đề ra? Các văn bản này sau khi ban hành có “hồi tố”, lấy lại cho Nhà nước những cái đã mất không? Trong khi đa phần các doanh nghiệp có những lợi thế đặc biệt về đất, ở thành phố Hà Nội và các thành phố khác nơi doanh nghiệp có những mảnh đất “vàng” đã thực hiện cổ phần hóa xong rồi; những quy định mới có bó các doanh nghiệp mà không có nhiều lợi thế như những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đây? Thật là “mất bò mới lo làm chuồng”.

Hy vọng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc. Công việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước từ các doanh nghiệp nhà nước chính là một biện pháp nhằm cắt đi nguồn cung cấp “sữa” cho doanh nghiệp Nhà nước, việc bao cấp kéo dài đã tạo ra nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc xã hội.

Việc cổ phần hoátạo cho các doanh nghiệp tự chủ, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, minh bạch về vấn đề tài chính hạn chế được tiêu cực xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này có thể xuất hiện những doanh nghiệp “sân sau”. Đó cũng là quy luật của mọi xã hội trong quá trình phát triển mà chúng ta cũng cần nghiên cứu để có hệ thống pháp luật ngăn chặn.

Duy Nguyên

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/vi-sao-cong-tac-co-phan-hoa-bi-chung-lai.html